(SGGPO).- Ngày 29-3, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo quốc gia về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án ODA dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân năm 2013 đạt trên 5,1 tỷ USD, tăng tới 23% so với năm 2012. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thực hiện và giải ngân các dự án ODA vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Thực tế là dù năm 2013 chúng ta có bước đột phá về giải ngân, nhưng tính đến nay vẫn còn tới 20,9 tỷ USD vốn ODA chưa thể giải ngân vào các chương trình dự án. Trong đó, số vốn phải giải ngân cho các chương trình, dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2014 vào khoảng 8 tỷ USD. Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nếu tình hình giải ngân không được cải thiện, mỗi năm Việt Nam sẽ mất khoảng 100 triệu USD chi phí cơ hội.
Tại hội nghị, thay mặt cho nhóm 6 ngân hàng phát triển của quốc tế, bà Keiko Sato, Giám đốc điều phối danh mục đầu tư của Ngân hàng Thế giới (WB) đã nêu ra nhiều thách thức cản trở việc giải ngân nguồn vốn ODA tại Việt Nam. Đó là vấn đề vốn đối ứng từ phía Việt Nam chưa đầy đủ, thiếu kịp thời và không có tính dự đoán.
Trong khi đó, thu hồi đất và tái định cư chậm, năng lực các ban quản lý dự án còn yếu cũng là những nguyên nhân khiến vấn đề giải ngân vốn ODA chưa được khai thông. Bà Keiko Sato đề nghị cần xem xét sử dụng vốn vay của nhà tài trợ để chi cho giải phóng mặt bằng, tái định cư; đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến đấu thầu; lập tổ công tác liên ngành phối hợp với nhóm 6 ngân hàng phát triển để giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan đến giải phóng mặt bằng, cơ chế tài chính…
Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất một số giải pháp để cải thiện tình và thúc đẩy giải ngân dự án ODA. Theo đó, về hoàn thiện chính sách, thể chế cần mạnh mẽ đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, quy định ODA và vốn vay ưu đãi trong Luật Đầu tư công. Tiếp tục hài hòa quy trình, thủ tục với các nhà tài trợ, đặc biệt trong lĩnh vực GPMB và tái định cư, đấu thầu, quản lý tài chính, kiểm toán... Về điều hành thực hiện chính sách, cần tăng cường vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA trong việc xử lý các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị, chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án. Đồng thời, đảm bảo các điều kiện liên quan đến công tác tổ chức bộ máy và năng lực quản lý của chủ dự án và ban quản lý dự án; bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng; thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư...
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng thách thức trong việc giải ngân nguồn vốn ODA thời gian tới còn rất lớn. Việc tháo gỡ khó khăn trong vấn đề vốn đối ứng là mục tiêu quan trọng. Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm rà soát, tổng hợp trình Thủ tướng số vốn đối ứng còn thiếu trong năm 2014 để tìm hướng cân đối nguồn bổ sung. Về việc sử dụng vốn vay của nhà tài trợ cho giải phóng mặt bằng, Phó Thủ tướng yêu cầu chỉ áp dụng trong trường hợp tình thế, cấp bách.
Theo Phó Thủ tướng, giải phóng mặt bằng vẫn là một vướng mắc lớn nhất, nên thời gian tới cần phải giữ chính sách ổn định. Về tháo gỡ cụ thể cho từng dự án ODA đang bị chậm, trên cơ sở danh sách 21 dự án mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, 27 dự án mà nhóm 5 ngân hàng phát triển có ý kiến, sẽ lập danh sách chính thức các dự án cần thúc đẩy tiến độ giải ngân. Mỗi tháng 1 lần, chủ đầu tư dự án sẽ phải báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến độ triển khai, vướng mắc cụ thể cần tháo gỡ. Và 3 tháng 1 lần, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm việc với nhóm 6 ngân hàng phát triển để cùng nhau thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được.
| |
BẢO MINH