Dành nửa buổi chiều trong chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 21 để tranh luận về tờ trình của TP về đặt, đổi tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn thủ đô, chủ yếu xoay quanh “Đại lộ Thăng Long” và phố Nguyễn Trung Ngạn, HĐND TP Hà Nội đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng: đây là một công việc cần đến sự hiểu biết, cẩn trọng và thậm chí cả sự tinh tế, lịch lãm. Ấy là vì ngoài ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tên đường phố còn gắn liền với nhịp thở của đô thị, có ảnh hưởng lớn, quan trọng đến tất cả các doanh nghiệp và cư dân đường phố ấy. Một lần đổi tên, hay thậm chí chỉ đổi từ “đường” thành “phố”, từ “đường” lên “đại lộ”, cũng kéo theo vô số việc phải làm cho chính quyền và tất cả cơ quan, doanh nghiệp, nhà dân có liên quan.
Chính vì thế, lựa chọn “đặt” danh nhân nào vào đâu, giữ lại địa danh cổ nào không phải chuyện dễ quyết! Bên cạnh việc quyết định đặt tên tuyến đường Láng - Hòa Lạc là “Đại lộ Thăng Long” chứ không phải “Đại lộ Nghìn năm” như đề xuất ban đầu, HĐND TP Hà Nội cũng thống nhất rằng, tên phố Nguyễn Trung Ngạn – vị Đô trưởng tài đức một thời của thủ đô Hà Nội – là không thích hợp với một đoạn phố quá ngắn, không có số nhà (chỉ có hai nhà quay lưng ra mặt phố) như hiện nay. HĐND TP cho rằng, không nên vội vã đổi tên và nên chờ đến khi có đường phố mới to đẹp, xứng đáng hơn mới đặt tên cụ cho đường phố.
Tiếc rằng trong gần 20 lần xem xét đặt tên, đổi tên trước đây, không phải bao giờ việc này cũng được thực hiện một cách cẩn trọng như lần này. Tên ngõ Lò Lợn (ở phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) nghe không thanh nhã, có nhất thiết phải giữ lại? Phố Gầm Cầu, cái tên ghi dấu một thời lam lũ tạm bợ liệu có còn phù hợp với con phố buôn bán sầm uất như bây giờ? Hà Nội cũng có đường phố được đặt tên theo cụm, như các phố hàng… xưa cũ trong khu phố cổ.
Rồi đường Lạc Long Quân nối tiếp với đường Âu Cơ; các phố mang tên danh nhân văn hóa Đào Tấn, Nguyễn Văn Ngọc, Phan Kế Bính đều nằm cạnh nhau ở quận Ba Đình. Khu vực ven sông Hồng là nơi hội ngộ của các danh tướng thời Trần với chiến công lừng lẫy “Chương Dương cướp giáo giặc – Hàm Tử giết quân thù”. Đó là Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão… Phố Hồ Xuân Hương rợp bóng cây yên ả bầu bạn với phố Nguyễn Du nồng nàn hoa sữa. Thế nhưng có người bảo, trong nhiều trường hợp khác, tên danh nhân (cũ – mới), địa danh vẫn quyện vào nhau như… bát bún thang! Là chưa kể con phố được đặt tên khi còn quá xập xệ, chẳng xứng với danh tiếng của vị tiền bối (như phố Nguyễn Trung Ngạn đã nêu).
Quỹ tên gọi – theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội – đã được chuẩn bị, thẩm định sẵn khá nhiều, khoảng 300 tên, đâu có thiếu đến nỗi đã có đường phố rồi, lại có thêm cả ngõ cùng tên, có khi nằm tách xa nhau? Giữa khu phố Pháp sầm uất có “xóm Hà Hồi” (nghe đã là lạ). Ngõ Hà Hồi cũng rõ oái oăm ngoắt ngoéo: nó thông ra tới 3 đường phố (Trần Hưng Đạo (cạnh số 75), Trần Quốc Toản (cạnh số 68), Quang Trung (cạnh số 20)…
Chắc chắn, với nhiều đường phố chưa đặt tên và với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, đặt tên đường phố vẫn tiếp tục là công việc với khối lượng cực kỳ lớn, đòi hỏi rất nhiều tâm sức của những người trong cuộc. Kỳ công vậy, nhưng tên gọi rồi ra sẽ là “của tin còn một chút này”, không thể làm bừa, làm vội.
ANH PHƯƠNG