Dấu ấn Chút tình gửi lại nhân gian

Trong 2 tối 1 và 2-3, Nhà hát Bến Thành đông nghẹt khán giả đến xem, cổ vũ chương trình Chút tình gửi lại nhân gian giới thiệu 2 vở cải lương Bên cầu dệt lụa và Tiếng trống Mê Linh. Chương trình nghệ thuật đặc biệt này do gia đình NSƯT Bảo Quốc - thế hệ con cháu đoàn Thanh Minh - Thanh Nga thực hiện, là một trong những sự kiện văn hóa nghệ thuật được dư luận quan tâm và đón nhận nồng nhiệt.
Dấu ấn Chút tình gửi lại nhân gian

Trong 2 tối 1 và 2-3, Nhà hát Bến Thành đông nghẹt khán giả đến xem, cổ vũ chương trình Chút tình gửi lại nhân gian giới thiệu 2 vở cải lương Bên cầu dệt lụa và Tiếng trống Mê Linh. Chương trình nghệ thuật đặc biệt này do gia đình NSƯT Bảo Quốc - thế hệ con cháu đoàn Thanh Minh - Thanh Nga thực hiện, là một trong những sự kiện văn hóa nghệ thuật được dư luận quan tâm và đón nhận nồng nhiệt.

        Gợi lại ký ức

Khi chương trình Chút tình gửi lại nhân gian được quảng bá sẽ biểu diễn 2 vở cải lương xưa, do dàn nghệ sĩ tên tuổi của làng nghệ thuật cải lương trình diễn, nhiều bạn trẻ đã nhanh chân mua vé tặng ông bà, ba mẹ mình - những khán giả mộ điệu cải lương, yêu mến đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và đi cùng người thân. Xem xong họ đã bày tỏ những cảm nhận và thấy bất ngờ vì sự hấp dẫn của nghệ thuật này cũng như sức lôi cuốn mạnh mẽ của giọng ca, nét diễn xuất của thế hệ nghệ sĩ đi trước.

Đã lâu rồi mới thấy lại không khí đi xem cải lương náo nức như thế tại TPHCM. Trước mỗi suất diễn, khán giả mộ điệu cải lương đã chờ đợi chật sảnh Nhà hát Bến Thành. Ai cũng ở trong tâm trạng đón chờ được xem tận mắt quang cảnh, không gian, gặp lại những nghệ sĩ - những giọng hát năm xưa trên sân khấu hôm nay. Ở sảnh nhà hát, đông đảo công chúng còn được thưởng lãm, ngắm nhìn hình ảnh gợi lại ký ức một thời của những tài danh sân khấu cải lương Nam bộ.

Một cảnh trong vở cải lương Bên cầu dệt lụa.

Một cảnh trong vở cải lương Bên cầu dệt lụa.

Nhiều khán giả lớn tuổi bồi hồi nhớ lại thời huy hoàng lộng lẫy của sân khấu cải lương năm xưa. Vợ chồng bác Nguyễn Văn Vĩnh - Nguyễn Thị Hình (quận 3) cho biết: “Ngày xưa chúng tôi hay đi coi cải lương của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, diễn ở rạp Nguyễn Văn Hảo. Lúc đó Thanh Nga chỉ mới 11, 12 tuổi. Xưa, đoàn thường diễn những vở tuồng dễ đi vào lòng người nên Thanh Minh - Thanh Nga cứ thế sống mãi trong lòng bao khán giả. Đặc biệt, giọng hát của cô Thanh Nga thì không ai bắt chước theo được. Trong mỗi vở tuồng như Tiếng trống Mê Linh, vở Sân khấu về khuya, Thuyền ra cửa biển, Lan và Điệp… nghệ sĩ Thanh Nga đều đem lại rất nhiều cảm xúc sâu lắng cho người xem. Qua mấy mươi năm, khán giả mê cải lương ở độ tuổi thất thập như chúng tôi vẫn nhớ, thuộc lòng nhiều vở diễn. Dấu ấn của đoàn cải lương này quá sâu sắc. Nay đi xem lại đoàn xưa, người xưa hát, chúng tôi thấy nhớ cải lương xưa!”.

Kết thúc vở diễn Bên cầu dệt lụa, bà Phùng Thị Tiếu, 79 tuổi (quận 10), ra về với tâm trạng rất phấn chấn, bà chia sẻ: “Lúc còn trẻ tôi đã xem vở này rồi. Nay xem diễn lại, tôi thích lắm. Tôi rất mê nghệ sĩ ngày xưa hát, mấy chục năm qua rồi mà các nghệ sĩ vẫn giữ được giọng ca, nét diễn rất riêng, thật quý quá!”. Hồng Ngọc, cựu sinh viên Đại học Bách khoa, bộc bạch: “Tôi hay đi xem cải lương, nhưng ít có dịp được thưởng thức cả vở tuồng xưa, do các nghệ sĩ lớn tuổi biểu diễn. Các cô chú ca diễn rất hay. Thương nhất là chú Thanh Sang, sức khỏe yếu, điệu bộ không được như xưa, thế nhưng giọng hát của chú vẫn tạo được sức cuốn hút với người nghe”.

Dẫu mấy mươi năm đã qua, dù tuổi đã cao, sức yếu, ít được lên sân khấu ca diễn nhưng mỗi người nghệ sĩ tài danh của sân khấu năm xưa vẫn giữ được sự độc đáo rất riêng của tài ca diễn, không thể lẫn. Cứ thế, từng tràng pháo tay không dứt vang lên khắp khán phòng nhà hát mỗi khi trên sân khấu xuất hiện những nghệ sĩ tài danh, hay khi các nghệ sĩ vừa ca dứt câu vọng cổ thật mùi. Cô Minh Nguyệt (quận 8) chia sẻ: “Trước khi vở tuồng trình diễn, tôi hơi băn khoăn, không biết các nghệ sĩ lớn tuổi còn ca diễn nổi hay không. Xem xong rồi, thiệt tình tôi rất xúc động khi thấy sự nỗ lực, tình yêu nghề và tâm huyết của các nghệ sĩ tài danh một thời trên sân khấu. Tuy tuổi đã cao, nhưng các nghệ sĩ đã cố gắng rất nhiều, vẫn làm rung động người nghe qua từng câu vọng cổ, từng màn diễn xuất. Đã bước qua cái tuổi 60 - 70 mà các nghệ sĩ vẫn giữ được làn hơi, phong độ ca diễn, chất lửa nghệ thuật… Phải nhìn nhận rằng, thế hệ nghệ sĩ cải lương trước đây đã tạo nên một dấu ấn quá lớn trong lòng khán giả. Dấu ấn đó, đến nay vẫn luôn được công nhận và tôn vinh”.

        Nỗ lực hết mình

Hai vở tuồng đã diễn ra khá hoàn hảo nhờ sự nỗ lực làm việc hết mình, nhiệt thành, tâm huyết của toàn bộ các thế hệ nghệ sĩ và ê kíp thực hiện chương trình. Không gian cải lương xưa được phục dựng giản đơn mà thật đẹp, đúng chất thánh đường nghệ thuật của người làm nghề. Chính tấm lòng của những người nghệ sĩ, luôn yêu và say nghệ thuật bằng trái tim nồng nhiệt, đã giúp bao khán giả tìm lại được gần như nguyên vẹn cảm xúc được thưởng thức vở tuồng cải lương xưa, trong không gian mang dáng hình xưa cũ. Trên sân khấu, bên cạnh những màn ca diễn lúc ngọt ngào xúc cảm, khiến khán giả rưng rưng lệ cảm thương, lúc lại hùng hồn rừng rực khí tiết chống giặc ngoại xâm thì những khoảnh khắc hài hước, vui tươi dí dỏm do NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ Hồng Nga, danh hài Hoài Linh, nghệ sĩ Hà Linh, Gia Bảo… đã giúp khán giả có được những giây phút thư giãn, cùng cười sảng khoái.

Sau tấm màn nhung, những nghệ sĩ mái đầu đã bạc vẫn tràn đầy cảm xúc sau đêm diễn. Niềm vui, niềm tin và hy vọng về sự sống lại của sân khấu cải lương Thanh Minh – Thanh Nga, sự hồi sinh của nghệ thuật cải lương trong tương lai thật gần, cứ thế lan tỏa trong không gian những ngày đầu năm mới 2014.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục