Đảo Thổ Chu

Dấu ấn người thương binh già

Dấu ấn người thương binh già

Thổ Chu là một đảo xa tận cực Nam Tổ quốc, cách đất liền hơn 200km. Một thời là đảo hoang không nhà, ai nghe đến danh cũng phải rùng mình khủng khiếp. Mãi đến đầu Xuân 1993, ông Lê Trắc đã dẫn một đoàn 20 gia đình trong đó có 3 gia đình là con cháu của ông đến…

  • Vượt trùng dương

Đảo Thổ Chu được bao bọc ba phía là núi, trước mặt là biển nước mênh mông. Năm 1993, khi xã đảo Thổ Chu được thành lập, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang vận động ông Lê Trắc, cán bộ nghỉ hưu (65 tuổi) ra đảo định cư. Dù tuổi đã cao, người thương binh Lê Trắc vẫn muốn lần cuối cùng thử sức mình nên bàn với vợ con bán nhà.

Dấu ấn người thương binh già ảnh 1

Ông Lê Trắc cùng vợ thu hoạch khoai mì trên đất Thổ Chu.

Bàn tới bàn lui mãi, dần dà vợ và con cháu ông đồng ý dứt áo, thu gom đồ đạc chờ ngày lên đường. Đó là một ngày đầu xuân năm 1993, con tàu đánh cá nhỏ vượt trùng dương chở gia đình ông ra đảo. Hơn 16 giờ đồng hồ vật vã với sóng gió, già trẻ lớn bé ói mửa đến ngất người mới đến đảo.

Hai mươi gia đình lần đầu tiên đặt chân lên hòn đảo mù mịt đất liền. Cảnh vật hoang sơ, con người thấy nhỏ bé, một cảm giác lạ lẫm và lo sợ, một không gian hoang vắng buồn đến não lòng. Ngay cả người “đầu tàu” như ông cũng không giấu nổi sự lo lắng.

Ông Trắc được bầu làm bí thư xã đảo vào tháng 7-1993. Bước đầu, phương tiện di chuyển thật khó khăn, hai ba tháng mới có một chuyến tàu biển đánh bắt ghé lại.

Những lúc biển động, cả tháng trời họ ăn khoai, ăn sắn, ăn rau rừng trừ bữa. Vợ và con ông mấy bận đòi về đất liền, ông luôn trấn an. Cứ thế cuộc sống lặng lẽ trôi với sự quyết tâm vượt qua gian khó, mà cột mốc đặt ra có lúc là từng ngày.

  • Tạo hồn quê

Ở đấy nương rẫy khô cằn, từ những thú vật gần gũi với người như chó, mèo, heo, gà cho đến những âm thanh quen thuộc như cóc, ếch, nhái đều chưa có. Đêm về, ai nấy ngồi thở dài. Nhiều đêm ông nằm trằn trọc suy nghĩ, làm thế nào để tạo cảnh sinh hoạt bình thường, tạo môi trường sống cho bà con.

Ông Trắc chợt nảy sinh ý nghĩ đem cây, con từ đất liền về đảo. Vậy là ông lấy chiếc ghe nhà vào đất liền kiếm khoai giống, hom sắn, lục bình, con heo, con lươn, con cóc, ếch nhái, chó mèo và cây trái… đem ra đảo.

Nhiều người thấy ông lom khom thả lục bình, thả con lươn, con cóc, con ếch… đều nhìn ông mà cười. Nhưng sau đó, bà con cũng làm theo. Nhớ lại chuyện cũ, ông Tắc cười vui: “Tôi đem “cóc, ếch” ra nuôi, vừa có thịt ăn lại tạo tiếng kêu giống cảnh quê mình. Đường biển xa xôi tôi vẫn đèo cho được bầy mèo mẹ, mèo con. Ngày con trai tôi lấy vợ, mua lươn từ đất liền về đãi khách, đa số lươn sống tôi đều đem ra suối thả”.

  • Thay da đổi thịt

Người dân ốc đảo Thổ Chu từ chỗ sống hoàn toàn phụ thuộc vào lương thực từ đất liền gởi ra. Giờ đây bừng bừng sức sống, 390 căn nhà quần tụ với 1.390 khẩu. Riêng gia đình ông trước đó 18 khẩu thì nay đã 34 khẩu. Tất cả sống bình yên trên thung lũng một góc đảo khoảng 5ha thuộc bãi Ngự (phía Nam). Đảo có điện, trạm y tế có bác sĩ phẫu thuật. Việc tìm cái chữ, từ dạy bổ túc lớp 1, nay đã có trường trung học cơ sở…

Khuôn mặt tươi vui, ông nói: “Mấy mùa này cóc cho thịt hàng tấn. Chó, mèo mỗi nhà 2–3 con, còn chưa tính mèo hoang vào rừng ở. Lục bình đầy suối, các hộ tha hồ cho heo ăn. Thịt heo cung cấp suốt năm. Lươn, ếch bán lai rai, rau xanh đáp ứng cho ngàn dân trên đảo… Khoai mì nhà tôi trồng nhổ hơn tấn. Bà con không còn lo cảnh thiếu ăn, nào là dịch vụ nuôi trồng, dịch vụ tàu thuyền đánh bắt, dịch vụ đưa rước khách… đã mở ra một tương lai tươi sáng.

  • Son sắt một lòng

Ông Lê Trắc là hội viên Hội Văn nghệ Kiên Giang, còn gọi là Bá Diệp. Ông thố lộ: “Từ ngày ra đảo sống, nhìn trời biển làm thơ lúc nào không hay”. Vui miệng ông đọc những câu thơ tâm đắc:

Sáu mươi tuổi tôi tìm đất mới
Quê hương ơi! Đảo xanh, trời xanh, biển cũng xanh.
Hòn đảo nhỏ giữa bốn mùa gió lộng
Mỗi ngọn Đông Tây mang đến sự an lành.

Thời kháng chiến, ông bị giặc bắt, tù đày 7 năm. Trở về quê hương với thương tật tù tội 42%, ông kinh qua nhiều chức vụ: Phó Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng phòng nội chính, chuyên gia ở Campuchia, Giám đốc Trại giống lâm nghiệp và về hưu năm 1988 với… hai bàn tay trắng.

Ông Trương Thanh Nhã, Chủ tịch Hội Nhà báo Kiên Giang, người có nhiều năm công tác chung với ông nhận xét: “Ông ấy sống có tình, có nghĩa và có nhiều tài. Về văn học, năm 1964 ông dự thi truyện ký “Viếng mộ Võ Thị Sáu” đoạt giải nhì cuộc thi Nguyễn Đình Chiểu. Tập thơ “Chiếc lá vàng” đoạt giải nhì do HVN Kiên Giang tổ chức”.

Qua 12 năm lăn lộn buồn vui với đảo, ông luôn lo lắng dõi theo sự đói no của bà con. Đã bước sang tuổi 77, với dáng dấp nhỏ thó nhưng miệng nói tay làm, ông đã in đậm trong tâm trí cư dân xã đảo một tấm lòng tôn sùng và kính trọng. Ông đã tạo dựng một đội ngũ trẻ trí thức, nhiệt huyết và năng động trong đó có con ông như Lê Như Lý (Trưởng CA xã) – Lê Trường Giang (Chủ tịch Hội CCB) và Lê Thị Kiều Hải (cháu nội) vừa kết nạp đảng.

Ông cười hào sảng: “Nhanh thật, mới đó mà đã mười mấy năm từ khi tôi đặt chân tới đây, giờ đã có cháu cố. Cứ như là chiêm bao vậy. Dù đây không là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng tôi khẳng định mình sẽ nằm xuống trên mảnh đất này, để mãi được nhìn thấy con cháu trưởng thành làm ăn thành đạt trên quê hương Thổ Chu”.

Chiều muộn, Thổ Chu lộng lẫy trong hoàng hôn. Ông Trắc, người khai khẩn đảo cứ ngồi lặng trước biển, khuôn mặt trầm tư, mắt đục dõi về phía biển xa. Mười mấy năm gắn bó với đảo, ngày đêm nhìn sóng nước dập dềnh nhưng ông cảm thấy thanh thản, bước chân ông thật vững vàng. 

THỤY MẪN

Tin cùng chuyên mục