Phân bón giả đang làm rối loạn thị trường, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và làm đau đầu các cơ quan quản lý bằng đủ loại hình thức giả mạo khác nhau…
Đủ kiểu làm giả
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), năm 2011 sản xuất và nhập khẩu phân bón cả nước đạt khoảng 9,8 triệu tấn các loại, trong đó sản xuất trong nước đạt 5,645 triệu tấn, số còn lại là nhập khẩu. Về cơ bản, thị trường phân bón vẫn đảm bảo đủ phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất, sản lượng lúa và các loại cây trồng khác đạt mức cao nhất từ trước tới nay (với 41,5 triệu tấn lúa).
Năm 2012 này, dự báo cả nước cần khoảng 9,9 triệu tấn phân bón các loại, trong đó khả năng sản xuất trong nước là 7,25 triệu tấn. Trên thực tế sản xuất nông nghiệp gắn chặt và chịu tác động rất lớn của thị trường phân bón, nhưng tình trạng phân bón giả tràn lan trên thị trường thời gian qua đã và đang khiến cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Theo thông tin tại hội thảo “Bình ổn thị trường phân bón Việt Nam” tổ chức tại TPHCM mới đây, thị trường phân bón Việt Nam còn nhiều bất ổn do tình trạng phân bón giả, kém chất lượng diễn ra khá phổ biến. Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương) cho biết, trung bình mỗi năm cục xử lý trên 300 vụ vi phạm về chất lượng, giả nhãn hiệu liên quan đến mặt hàng phân bón. Các vi phạm chủ yếu là phân bón kém chất lượng làm giả nhãn mác của công ty, thương hiệu lớn…
Thực tế phân bón giả đang làm rối loạn thị trường và làm đau đầu các cơ quan quản lý. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), đa số phân bón kém chất lượng lưu thông trên thị trường là loại NPK, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh vì loại phân bón này có nhu cầu tiêu thụ lớn, dễ pha trộn nên dễ làm giả hoặc giảm chất lượng và bán với giá rẻ hơn.
Ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết, thời gian gần đây, phân kali bị giả rất nhiều bởi mặt hàng kali rất dễ làm giả, chỉ cần mua gạch non về nghiền trộn với muối và bột màu là có hàng bán ra thị trường.
Chưa hết, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón VN Nguyễn Hạc Thúy còn cho biết, phân bón giả thời gian gần đây diễn biến rất phức tạp, một số thương nhân lợi dụng hạn hán, thiếu nước ở Tây Nguyên đã lấy nước lã đóng thùng 5 lít, sau đó cho một ít urê vào, bán cho nông dân và quảng cáo đó là urê nước với giá bán 50.000 đồng/bình…
Mới đây, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện có 5 cơ sở ở Bình Thuận, Bình Dương, TPHCM làm phân bón kém chất lượng và nhái nhãn hiệu của Tập đoàn Quốc tế Năm Sao. Nghiêm trọng nhất là vụ làm giả phân kali của một công ty ở Cần Thơ, khi cơ quan chức năng phát hiện, đưa mẫu sản phẩm đi kiểm tra phân tích thì kết quả cho thấy loại phân bón giả này chỉ có muối ăn và phẩm màu.
Cần siết chặt quản lý
Hiện nay, việc cấp giấy phép sản xuất kinh doanh phân bón khá đơn giản: cơ sở sản xuất phân bón “tự công bố và đăng ký” tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, khi đưa vào sản xuất, lưu thông rồi cơ quan chức năng mới tiến hành hậu kiểm. Lợi dụng điều đó, nhiều cơ sở đã in khống hàm lượng, vi lượng trên bao bì, thậm chí làm nhái bao bì của các doanh nghiệp phân bón lớn, có thương hiệu uy tín để dễ dàng tiêu thụ. Đến khi bị phát hiện thì đối phó bằng cách thay đổi địa điểm, mẫu mã và vi phạm tiếp.
Ông Lê Quốc Phong cho biết, do việc quản lý quá lỏng lẻo nên có quá nhiều doanh nghiệp phân bón nhỏ mọc lên như “nấm sau mưa”, họ làm ăn chụp giật, sản xuất, kinh doanh hàng giá rẻ, chất lượng thấp để đưa vào vùng sâu, vùng xa tiêu thụ. Nhiều nông dân ham giá rẻ mua về sử dụng. Một mùa sau đó mới phát hiện ra đó là hàng kém chất lượng.
Vì vậy, để khắc phục tình trạng phân bón giả làm rối loạn thị trường như đã nêu trên, Nhà nước cần phải siết chặt quản lý, siết chặt việc cấp phép kinh doanh, cần điều chỉnh đưa phân bón trở thành mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép mới được hoạt động. Bên cạnh đó Nhà nước cũng cần phải thực hiện các biện pháp chế tài đủ mạnh mới có sức răn đe. Bởi lẽ, mức xử phạt trong sản xuất kinh doanh phân bón hiện nay quá thấp, chỉ 40-50 triệu đồng/vụ vi phạm, khiến cho đối tượng thường xuyên tái phạm.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Theo đó, trong quá trình kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì phải ra quyết định niêm phong toàn bộ lô hàng cùng nhãn hiệu, yêu cầu thu hồi hàng hóa đã bán, thông báo danh tính của doanh nghiệp và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Cũng theo Bộ NN-PTNT, để quản lý chất lượng phân bón cần tập trung vào các yếu tố: luật pháp, năng lực của người dân và doanh nghiệp. Các bộ ngành như Bộ Công an, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và Hiệp hội Phân bón VN cần phải tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp nhằm ngăn chặn tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Phải nhanh chóng triển khai thực hiện tốt nghị định của Chính phủ về quản lý sản xuất kinh doanh phân bón, trong đó có việc đưa phân bón vào nhóm hàng có điều kiện.
Theo đó, tổ chức, cá nhân muốn tham gia phân bón phải đáp ứng các yêu cầu về giấy phép, chứng minh năng lực sản xuất, trang thiết bị, nhà xưởng và cả các điều kiện về môi trường… Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm túc các quy định về tiêu chuẩn phân bón bảo đảm chất lượng, phân bón kém chất lượng, phân bón giả để làm cơ sở cho quá trình thanh tra xử phạt các trường hợp vi phạm. Đây được xem là hành lang pháp lý quan trọng trong việc chấn chỉnh thị trường phân bón và xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.
Nguyễn Thu Tuyết