
Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được các địa phương vùng ven thực hiện khá rầm rộ nhằm tìm ra các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít gia đình rơi vào cảnh lao đao khi chạy theo… “phong trào” này.
- “ Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”

Nếu tận tâm, chí thú với nghề cũng có ngày thành công. Anh Tôn Thất Hưng (bên phải) GĐ Công ty TNHH cá sấu Hoa cà (Q.12) là một người như thế.
Thấy tôi ngạc nhiên vì các ao ba ba đều cạn nước, còn ba ba đã được bán tống bán tháo, ông T.H. ngụ ấp 2, xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn), than vãn: Lỗ quá, gần ngàn con ba ba chứ ít đâu, lớp chết lớp bị trộm hoặc bò ra ngoài, tính ra lỗ gần phân nửa, phải bán giá rẻ cho thương lái đỡ đồng nào hay đồng nấy.
Tôi biết ông Hoàng gần 5 năm trước, lúc đó, có thời gian ông nuôi trăn nhưng sau giá trăn quá rẻ, không có nơi tiêu thụ, ông chuyển qua nuôi cá trê phi được hơn một năm, cũng không thành công, ông lại chuyển qua nuôi cút, nhưng cút bị cúm gia cầm.
Tôi còn biết ở phường Thạnh Lộc quận 12 cũng có một người mấy phen lao đao vì “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào” - ông Trần Văn C. Lúc đầu, ông nuôi cút thất bại rồi chuyển sang nuôi bồ câu nhưng chẳng đi đến đâu, bây giờ lại chuyển sang nuôi cá thịt.
Cái hạn chế của ông là nuôi cá nhưng chẳng nắm được “ngón nghề”, chỉ nghe nhiều người làm thành công, rủ rê nên “làm đại”. Nuôi cá thịt mà ông còn rất mù mờ về đầu ra, cách xử lý nước, vệ sinh ao, phòng ngừa dịch bệnh cho cá thì hỏi làm sao thành công cho được.
Thực tế khảo sát của Hội Nông dân TP cho biết, những năm qua, vùng ven TP xuất hiện khá nhiều nghề “phong trào”. Những nghề này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn rồi “tàn lụi”. Số người thành công cũng có nhưng không ít người thất bại, sạt nghiệp và nợ nần. Nguyên nhân thất bại thì như đã nói, vẫn là do nôn nóng, thiếu quy hoạch, thiếu tay nghề lẫn vốn.
- Tại mình, tại người hay tại… “phong trào”
Thực ra, thất bại của người nông dân ngoại thành khi bắt tay vào thử nghiệm mô hình mới chính là do làm ăn mang tính tự phát, bị động và còn do thiếu được quy hoạch, định hướng. Những mô hình nuôi ba ba, bồ câu, cá thịt, trăn… đều có những người rất thành công và trở thành triệu phú, tỷ phú như ông Quách Luận nuôi ba ba ở phường Thạnh Lộc, quận 12; Tống Hữu Châu nuôi cá, phường Thạnh Xuân, quận 12; triệu phú cút Lê Văn Hai ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn…
Nhưng nếu chỉ nhìn vào thành công của những người này, nghe qua lời đồn đại và rủ rê lẫn nhau làm mà quên đi cái gốc chính là phải có niềm say mê, tìm tòi, học hỏi để có tay nghề, kỹ thuật thì thất bại là điều dễ hiểu. Chủ trại nhím Phạm Ngọc Tuân ở xã Nhuận Đức huyện Củ Chi, khi thấy nhiều người đến tham quan, đòi nuôi nhím, đã khuyên rằng, muốn nuôi trước hết phải cân nhắc cho kỹ về điều kiện, khả năng của mình rồi mới quyết định, chứ đâu thể “ăn xổi, ở thì” mà thành công được.
Mặt khác, cũng phải nhìn nhận, có những địa phương chạy theo bệnh thành tích, phong trào nên đôi khi hô hào, phát động người dân đầu tư vào các mô hình mới, nhưng lại thiếu quy hoạch, định hướng căn cơ hay chỉ tập huấn, hướng dẫn sơ sài lúc đầu rồi “đánh trống bỏ dùi”, “đem con bỏ chợ”. Hậu quả là người nông dân phải “bơi” một mình khi theo các nghề mới.
Theo kỹ sư Võ Ngọc Đẹp, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu LHKT và Khuyến Nông TP, mỗi khi có mô hình mới xuất hiện, ngành nông nghiệp địa phương cần tiến hành khảo sát, khi thấy thực sự có hiệu quả mới nhân rộng ra, nhưng phải tập huấn kỹ thuật, tay nghề một cách tường tận cho bà con cũng như có biện pháp hỗ trợ vốn kịp thời.
Hiện nay, Trạm khuyến nông các quận, huyện như Hóc Môn, quận 12 đang tiến hành khảo sát lại các “nghề phong trào” tại địa phương để kịp thời định hướng, quy hoạch lại việc phát triển ngành nghề mới và đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho những hộ đang theo nghề.
THẢO BÌNH