“Đấu tranh này là trận cuối cùng”

Đó là tên vở kịch của đoàn kịch quốc gia Trung Quốc đã công diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội trong cuối tháng 7 vừa qua. Vì nôn nóng muốn xem kịch Trung Quốc, lại có cái tên vở khá lạ nên tôi đến rạp sớm hơn giờ mở màn chừng 15 phút. Không ngờ Ban giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ lại mời tôi vào cùng tiếp khách. Khách là đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Hoa tại Việt Nam, lãnh đạo Nhà hát Kịch quốc gia Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Ban giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam.

NSND Lê Hùng trân trọng giới thiệu tôi là thế hệ đàn anh đi trước có kinh nghiệm trong ngành sân khấu. Tôi tiếp lời NSND Lê Hùng: Năm 1991, lúc làm Viện trưởng Viện Sân khấu Việt Nam, chúng tôi đã phối hợp với đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội tổ chức hội thảo quốc tế: Mối quan hệ giữa sân khấu Việt Nam và sân khấu Trung Quốc. Đại sứ Trương Đức Duy cùng tôi chủ trì hội thảo. Tham gia hội thảo có giám đốc Tân Hoa xã Trung Quốc tại Việt Nam Trương Gia Tường, cùng cán bộ đại sứ quán và rất đông nhà hoạt động sân khấu đã từng học tập nghiên cứu ở Trung Quốc và có cả các nghệ sĩ kịch Triều Châu, Quảng Đông từ TP Hồ Chí Minh ra dự và biểu diễn minh họa suốt trong hai ngày đêm (*).

Tôi nhớ từ năm 1960 đã có Đoàn kịch nói Trung Quốc sang phối hợp với Đoàn kịch nói Việt Nam (nay là Nhà hát kịch TƯ) biểu diễn vở kịch Người lính gác dưới ánh đèn nê-ông. Diễn viên nước nào nói tiếng nước ấy mà người xem Việt Nam vẫn hiểu, vẫn nhiệt liệt hoan nghênh bởi nội dung vở kịch quá tốt, nói về sự cảnh giác cần thiết với “đạn bọc đường”, nếu không sẽ bị sa ngã đối với cán bộ, chiến sĩ từ chiến khu hoặc thôn quê trở về thành phố hoa lệ…

Với phong cách biểu diễn chân thực và trang trí tả thực giống như vở Người lính gác dưới ánh đèn nê-ông trước đây, vở diễn Đấu tranh này là trận cuối cùng đã thật sự chinh phục người xem Việt Nam. Trước hết là câu chuyện kịch quá gần gũi, giống với hiện thực cuộc sống ở thành phố lớn Việt Nam.

Chuyện xảy ra trong đêm giao thừa trong gia đình ông Hà Quang Minh, cán bộ tham gia cách mạng về hưu có 4 người con. Con trai trưởng là Hà Đại Minh, đại tá quân đội có tư tưởng giống bố, con thứ hai là Hà Nhị Minh, tuy căm ghét thế giới tiêu cực nhưng muốn thăng tiến thì phải đi theo con đường tiêu cực… Con trai út là Hà Hiếu Minh có cô vợ là Khang Viên Viên, nhưng thực chất là quan hệ vì tiền là chính… Còn người con gái đầu của ông Hà Quang Minh là Quách Xuân Lan, phải đổi tên để gửi về nông thôn sống trong thời kỳ chiến tranh, luôn nuôi ước mơ trở về thành phố. Bà Quách Xuân Lan có đứa con trai là Tiểu Kiếm lại cũng phải giấu tên để lọt vào làm việc trong công ty của cậu là Hà Hiếu Minh…

Cuộc xung đột giữa đêm giao thừa, không chỉ bằng những cuộc đấu khẩu gay gắt mà có cả anh đánh em, cậu đánh cháu, bố mẹ đau khổ vì con cháu mình. Hà Hiếu Minh tìm cách trốn đi Mỹ vì biển thủ tiền công quỹ rất lớn… Cả gia đình hoang mang tìm cách giữ Hà Hiếu Minh lại và khuyên hãy đi đầu thú.

Ông lão Hà Quang Minh và vợ đau khổ tột cùng. Vở kịch kết thúc vào lúc giao thừa, bên ngoài, tiếng pháo hoa nổ giòn, nhưng bên trong nhà ông Hà Quang Minh thì đón tết im ắng. Ông ăn mặc quân phục, ngực đeo huân chương, lấy lại tinh thần người cộng sản, ngồi trước màn ảnh nhỏ hát lên bài quốc tế ca. Cả gia đình kết lại và đều hát theo ông, biểu thị truyền thống… Cách mạng vẫn trường tồn dù cuộc sống đang quay cuồng như chong chóng… Chiều sâu tư tưởng của vở kịch càng bật ra rõ nét từ chỗ này và tính chân thực nghệ thuật cũng sáng lên đầy sức thuyết phục. Nội dung kịch chính luận chủ yếu là đối thoại phản biện về quan điểm chính trị, quan điểm sống của từng con người khá gay gắt, nhưng đan cài được cái yếu tố trữ tình, làm cho vở diễn đỡ phần khô cứng qua một vài lớp đầu.

NSND Trọng Khôi ngồi cạnh tôi hơi băn khoăn về lối diễn “thực” quá, nhưng càng về sau các tính cách càng được bộc lộ và tư tưởng của vở kịch càng sáng ra thì người nghệ sĩ kịch nói bậc thầy này càng tỏ ra tâm đắc.

GS HOÀNG CHƯƠNG
(*) Sau hội thảo chúng tôi đã in quyển sách “Mối quan hệ sân khấu Việt Nam và Trung Quốc”.

Tin cùng chuyên mục