Hà Nội

Đầu tư làng nghề

Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến rất gần. Và để làng nghề truyền thống trở thành một thế mạnh du lịch và ngành tiểu thủ công nghiệp của Hà Nội, TP đang khẩn trương hoàn tất đề án “Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội” giai đoạn 2010-2015 với nguồn vốn đầu tư 3.620 tỷ đồng.
Đầu tư làng nghề

Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến rất gần. Và để làng nghề truyền thống trở thành một thế mạnh du lịch và ngành tiểu thủ công nghiệp của Hà Nội, TP đang khẩn trương hoàn tất đề án “Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội” giai đoạn 2010-2015 với nguồn vốn đầu tư 3.620 tỷ đồng.

Hà Nội hiện có khoảng 1.270 làng có nghề, trong đó có 244 làng nghề truyền thống và đã giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động. Năm 2009, doanh thu từ các làng nghề tại Hà Nội đạt hơn 7.000 tỷ đồng chiếm gần 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề còn phát triển theo hướng tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dưới dạng hộ gia đình.

Việc bảo tồn văn hóa truyền thống của sản phẩm làng nghề chưa được chú trọng và quan tâm, ít chú trọng tới nâng cao trình độ tinh xảo, thậm chí có nhiều nơi nhận “gia công” hàng giả, hàng nhái, ảnh hưởng uy tín làng nghề. Việc phát triển phân tán khiến làng nghề bị động trong nguồn cung nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Các làng nghề cũng chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất chật hẹp xen lẫn với không gian sinh hoạt dẫn đến môi trường làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao, phần lớn lao động làng nghề không qua đào tạo cơ bản và còn chưa tách khỏi nông nghiệp nên chậm tiếp thu công nghệ và hoạt động theo tính thời vụ...

Cửa hàng trưng bày gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.

Cửa hàng trưng bày gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.

Trước thực trạng này, TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp hỗ trợ làng nghề, mà cụ thể là TP Hà Nội đang khẩn trương hoàn tất đề án “Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội” giai đoạn 2010-2015 với nguồn vốn đầu tư 3.620 tỷ đồng.

Theo Sở Công thương Hà Nội, đối với các làng nghề truyền thống, TP ưu tiên khôi phục, bảo tồn 25 làng nghề đã có từ lâu đời nhưng đang có nguy cơ mai một như: sơn mài Đông Mỹ, nón lá Đại Áng, giấy sắc Nghĩa Đô, đúc đồng Ngũ Xã... Nhiều người dân làng nghề cho rằng, việc khôi phục các làng nghề truyền thống cũng là một cách làm du lịch. Nhưng chính quyền thành phố phải có những giải pháp thiết thực để khuyến khích người dân gắn bó lâu dài với nghề.

Để giải quyết những tồn tại đã có ở các làng nghề, TP Hà Nội không chỉ chú trọng phát triển làng nghề mới với mức đầu tư lên tới 1.660 tỷ đồng mà còn có hướng tạo việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho người lao động.

Cạnh đó, để đẩy mạnh các dự án đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề, TP chủ trương sẽ cho các đơn vị sản xuất vay vốn không lãi suất thời hạn 3 - 5 năm từ các quỹ của TP. Địa phương cũng ưu tiên công tác quy hoạch mặt bằng sản xuất, hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo nghề, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân, tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu…

Hy vọng, trong thời gian tới, làng nghề của Hà Nội sẽ khởi sắc, một mặt để nâng cao đời sống của người dân, một mặt là đòn bẩy để phát triển du lịch. Và những làng nghề đa dạng, đa sắc sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong hành trình của du khách nước ngoài khi tới Hà Nội.

BẢO PHƯƠNG


 

Tin cùng chuyên mục