Đây được xem là cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) trong nước. Trong năm 2018, ngành công nghiệp TPHCM đạt mức tăng trưởng nhất định khi Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,15% so với năm 2017 và có sự dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, giá trị gia tăng cao. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến ước tăng 8,37% và 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 9,25%, gấp 1,13 lần mức tăng bình quân ngành.
Có thể thấy phát triển công nghiệp công nghệ cao là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo đà phát triển bền vững... TPHCM đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN trong việc nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng những sản phẩm công nghệ cao, có giá trị kinh tế trong chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp mang quy mô khu vực và toàn cầu. Theo Sở Công thương TPHCM, trong 2 năm 2017 và 2018, TPHCM đã tổ chức rất nhiều hoạt động hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ, trong đó có hoạt động kết nối DN trong nước với DN sản xuất đầu cuối.
Sở Công thương TPHCM với sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài như JETRO, JICA, tập đoàn Samsung đã phối hợp hỗ trợ DN thành phố cải tiến quy trình sản xuất, nguồn nhân lực… để đáp ứng tiêu chuẩn của nhà sản xuất đầu cuối. Kết quả bước đầu, một số DN của thành phố đã thấy được lợi ích của chương trình và nhiệt tình tham gia. Sau từng khóa đào tạo đều có sự nhận xét, đánh giá của các tổ chức trên để DN rút kinh nghiệm. Không chỉ đào tạo trong nước, các tổ chức trên còn hỗ trợ DN Việt Nam tham quan thực tế tại nước ngoài, giúp DN nâng cao nhận thức và có định hướng trong sản xuất.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, nhằm phát triển kinh tế bền vững, TPHCM đặc biệt quan tâm đến việc phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Đồng thời, thu hút đầu tư phát triển các nhóm ngành sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố; trong đó phát triển công nghiệp hỗ trợ là nền tảng, động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp thành phố nói chung trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, TPHCM đã triển khai nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng, chú trọng tăng cường các hoạt động kết nối giữa các DN công nghiệp hỗ trợ của thành phố với các DN đầu cuối, DN FDI thông qua nhiều hình thức như tổ chức kết nối trực tiếp giữa các DN công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ với các DN FDI đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản… Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm chuyên ngành.
Ông Yoon Jooyoung, đại diện Thương vụ Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM, cho biết Việt Nam đang trong quá trình trở thành công xưởng sản xuất của thế giới, Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp cũng như phát triển công nghiệp phụ trợ. Trong khi đó, Hàn Quốc là nước có nhiều DN hàng đầu thế giới về sản xuất máy móc đa dạng cũng như sở hữu các công nghệ ưu tú và có giá cả rất cạnh tranh.
“Tôi mong rằng, khi DN Việt Nam hợp tác với các DN Hàn Quốc sẽ góp phần phát triển nền công nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn 2015-2016, Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ 2 trong số các nước cung cấp máy móc móc công cụ cho thị trường Việt Nam. Tính đến năm 2017, Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu trong 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký lên đến 57,6 tỷ USD và hơn 6.500 dự án đầu tư. Thời gian tới, Hàn Quốc sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư đa dạng, hướng đến tăng cường giao lưu kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Tận dụng FTA song phương Hàn - Việt để hỗ trợ, xúc tiến đầu tư vào Việt Nam”, ông Yoon Jooyoung kỳ vọng.