Để có thể vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường
Là quốc gia có nền công nghiệp phát triển mạnh, bao gồm các hoạt động sản xuất công nghiệp, nhà máy xi măng, nhiệt điện, gạch ngói, khu công nghiệp, khu chế xuất… bên cạnh những đóng góp cho nền kinh tế thì những tác động của các hoạt động này đến môi trường cũng đang là bài toán nan giải đối với Việt Nam hiện nay. Những tác động từ hoạt động xả thải ra môi trường của các hầm lò khai thác than đã và đang tác động nghiêm trọng đến chất lượng môi trường, gây ra những hệ lụy lớn như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí... ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống và sức khỏe của người dân.
Để thực hiện mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa chú trọng công tác bảo vệ môi trường, Chính phủ đã ban hành kế hoạch “Đề án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường”.
Đề án nhằm thiết lập hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường (một thành phần trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường) trên cơ sở quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016- 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại nhằm thu nhận, quản lý thống nhất, đáp ứng yêu cầu công bố, cung cấp, khai thác, chia sẻ kịp thời thông tin quan trắc tài nguyên và môi trường, phục vụ mục tiêu hoạch định chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh - quốc phòng.
TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, thành phố cũng đang đối đầu với những áp lực về gia tăng dân số, đô thị hóa nhanh gây ra vấn đề ô nhiễm môi trường và cả những vấn đề do biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cụ thể như lượng chất thải sinh hoạt phát sinh ngày một tăng cao và khối lượng rác này hiện được xử lý bằng phương pháp chôn lấp chiếm đến 86%; ô nhiễm nước mặt vẫn ở tình trạng đáng báo động, trong khi các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị không đủ đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn... vẫn đang rất phức tạp. Trước thực trạng trên, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng “thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, TPHCM đang tập trung nguồn lực, giải pháp, tăng tốc triển khai thực hiện 7 chương trình đột phá; trong đó có chương trình giảm ô nhiễm môi trường và chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Để có thể đáp ứng được nhu cầu xử lý ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng và phức tạp, TPHCM cũng chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ môi trường, từng bước mở rộng mạng lưới quan trắc các thành phần trên địa bàn thông qua việc thực hiện “Đề án mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Cần phối hợp đồng bộ
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, hiện công tác thực hiện việc quan trắc tự động trong việc bảo vệ môi trường ở các địa phương còn chậm. Để thúc đẩy triển khai đề án và tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, sở, ban ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các đơn vị quan tâm đến việc triển khai đề án, tiếp tục thực hiện các nội dung mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành. Đây là đề án có phạm vi rộng lớn, phức tạp, tích hợp nhiều giải pháp kỹ thuật, thông tin, dữ liệu trên nhiều khuôn dạng, tiêu chuẩn khác nhau; khả năng đóng góp và nhu cầu công bố, sử dụng, chia sẻ đối với thông tin, dữ liệu rất đa dạng.
Để đảm bảo tính hiệu quả, thực hiện đúng mục đích và kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố.
Theo đó, các địa phương bảo đảm thu nhận đầy đủ và quản lý, sử dụng các thông tin, dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc phạm vi quản lý. Trong đó, chú trọng ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, tích hợp, kết nối, liên thông với hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên, môi trường, bảo đảm tích hợp vào khai thác sử dụng từ cơ sở dữ liệu chung các thông tin, dữ liệu đúng nhu cầu theo quy định. Ngoài ra, kết hợp những giải pháp về nguồn lực; giải pháp về khoa học - công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế; giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức.
Liên quan đến lĩnh vực này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết trong kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020, nhằm kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các nguồn thải có lưu lượng lớn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã có văn bản yêu cầu các công ty quản lý hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và doanh nghiệp có phát sinh lưu lượng nước thải từ 1.000m³/ngày hoặc khí thải lò hơi trên 20 tấn/giờ, phải thực hiện việc lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM theo quy định.
Đến nay, đã có 85% khu chế xuất, khu công nghiệp có hệ thống quan trắc nước thải tự động và có đường truyền dữ liệu. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng công tác giám sát, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã triển khai xây dựng hệ thống quan trắc tự động chất lượng môi trường tại các khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố để đánh giá chất lượng môi trường và kịp thời phát hiện, có biện pháp ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm tại các khu liên hợp xử lý chất thải.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã lắp đặt 2 trạm quan trắc tự động chất lượng không khí tại Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân và Khu Công nghệ cao; 2 trạm quan trắc tự động chất lượng nước mặt tại trạm Phú An và Trung An; đang tiếp nhận tài trợ và bàn giao cho Công ty Phú Điền lắp đặt 2 hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tại vị trí cầu Điện Biên Phủ và cầu Số 1 nhằm nâng cao năng lực quan trắc và phân tích môi trường với trang thiết bị tiên tiến, hiện đại; từng bước tự động hóa mạng lưới quan trắc các thành phần môi trường.
Bên cạnh việc duy trì và triển khai các giải giải pháp phát triển mạng lưới quan trắc môi trường hiện có, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TPHCM thực hiện phổ biến thông tin về chất lượng môi trường không khí nước mặt của thành phố tại 48 bảng điện tử để nâng cao việc tiếp nhận, quan tâm của cộng đồng đến công tác bảo vệ môi trường.