(SGGP).- Ngày 5-1, hội thảo khoa học quốc gia về dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam do Bộ GD-ĐT tổ chức diễn ra tại TP Huế. Hàng trăm nhà khoa học, giáo viên, nghiên cứu về Ngữ văn tập trung mổ xẻ ưu nhược điểm chương trình sách giáo khoa (SGK) hiện hành - xem xét phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh… Qua đó, góp ý kiến cho việc điều chỉnh, xây dựng chương trình SGK Ngữ văn giai đoạn sau năm 2015.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông nói chung và chương trình SGK tiếng Việt/Ngữ văn nói riêng thực hiện đã 10 năm đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cần xem xét thay đổi. Trong khi đó, một số đại biểu khác lại cho rằng, SGK Ngữ văn dành cho học sinh trung học hiện nay có nhiều bài học, nhất là ở các lớp trên nặng về lý thuyết, ít có tác dụng rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Một số nội dung còn cao so với nhận thức học sinh. Thời lượng dành cho một số nội dung chưa hợp lý, hầu hết các tác phẩm văn học không phù hợp với tâm lý - xu hướng đọc sách của học sinh. Do đó, không khơi gợi được hứng thú học tập môn văn của học sinh.
PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng Ngữ văn là môn học có “tuổi thọ” cao nhất ở nhà trường phổ thông. Hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến, khái niệm đến trường, đi học chủ yếu là học Ngữ văn. Trước hết là học lễ nghĩa và sau đó là để biết đọc, biết viết, từ đó mà học đạo lý, luân lý, hình luật, chính trị, triết lý… Muốn dạy tốt môn Ngữ văn, giáo viên cần biết tự thay đổi liên tục để thích nghi với những biến động xã hội. Tự học và học suốt đời là một yêu cầu thực sự đối với mọi người, nhất là trí thức - những người thầy đứng trên bục giảng. Dạy học Ngữ văn cần tập trung hình thành cho học sinh phương pháp học và học phương pháp học. Phương pháp dạy học phải tạo cho học sinh tính hiếu kỳ, tò mò và sự đam mê, tự đi tìm và lý giải để hình thành năng lực. Không nhồi nhét kiến thức, không bắt nhớ máy móc, cần biết quên cái cụ thể, chi tiết; chỉ nhớ cách làm, cách xử lý vấn đề… Giờ văn học trước hết giúp học sinh niềm yêu thích, say mê văn chương, mong muốn tìm tòi, tìm hiểu cái hay, cái đẹp của thế giới nghệ thuật rồi sau đó mới là những yêu cầu khác. Nhà trường phổ thông trong giai đoạn tới không chỉ chú ý khả năng tư duy lôgic, biện chứng… mà cần lưu ý hình thành “khả năng suy tưởng, sự mẫn cảm”, những “vẻ đẹp thẩm mỹ và xúc cảm”. Trong thế giới hiện đại, điều đó còn quan trọng hơn cả tư duy phân tích - lôgic.
Đề xuất định hướng biên soạn chương trình, SGK mới, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ tịch Hội đồng bộ môn Ngữ văn, cho rằng cần tham khảo cấu trúc mới của một số SGK nước ngoài. Ví dụ như trong SGK Ngôn ngữ tiểu học của Columbia, mỗi tài liệu gồm nhiều mô-đun; mỗi mô-đun do một số bài học cấu thành và mỗi bài học được chia thành các phần với những mục tiêu khác nhau. Mỗi phần gồm 3 loại hoạt động: Các hoạt động chính, các hoạt động thực hành, các hoạt động ứng dụng. Sau mỗi phần, học sinh được đánh giá để ghi nhận sự tiến bộ của mình. Riêng SGK Ngữ văn cấp THPT của Hàn Quốc (từ lớp 11) có 6 môn tự chọn với 6 cuốn SGK là Văn học - Quốc ngữ trong sinh hoạt - Đọc - Viết - Nói - Ngữ pháp. Một điểm nhìn để tiếp cận nước ngoài nữa là vấn đề so sánh chương trình môn Ngữ văn của Việt Nam và môn tiếng Anh nghệ thuật của bang California (Mỹ)…
V. THẮNG