"Chiếu dời đô" khổng lồ mạ vàng được rước từ cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) ra Hà Nội, trưng bày tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Đây là công trình không chỉ nhằm tôn vinh giá trị bất hủ, một quyết định trọng đại của cả dân tộc Việt Nam mà còn được coi là một tác phẩm tụ hội tinh hoa nghệ thuật và văn hóa truyền thống của dân tộc. Họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Tuy chính là người đã trực tiếp thiết kế tác phẩm được coi là độc nhất vô nhị ấy để dâng lên đại lễ.
Gặp gỡ họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Tuy tại nhà riêng của ông trong một con ngõ nhỏ ở phía Nam thành phố. Căn nhà không lớn nhưng chứa đựng rất nhiều đồ đạc thường thấy của một nhà điêu khắc, từ những giá vẽ lớn tới chì màu, khuôn, đục… những thứ mà người bình thường vẫn cho là lỉnh kỉnh, mất diện tích, song với ông, chúng gắn bó như chính hơi thở. Ông vừa trải qua một cơn bạo bệnh, song khi nhắc tới câu chuyện làm “Chiếu dời đô”- một món quà đặc biệt dành tặng cho Hà Nội trong ngày đại lễ khuôn mặt ông bừng sáng, ánh mắt linh lợi hơn nhiều.
Theo đuổi nghề mỹ thuật từ những năm 60 của thế kỷ trước, Trần Tuy là một trong số ít người đã dày công nghiên cứu và thể hiện các mẫu rồng thời Lý. Phần lớn những mẫu rồng dùng rất phổ biến lâu nay đều bắt nguồn từ những mẫu vẽ của chính ông. Có lẽ, chính vì lý do ấy mà nghệ nhân chạm khắc Vũ Quý đã mời bằng được ông tham gia thiết kế mẫu “Chiếu dời đô” khổng lồ này.
Kể về những ngày thiết kế, phác thảo ra mẫu “Chiếu dời đô”, họa sĩ Trần Tuy tâm sự, thực tế việc thiết kế mẫu trước đó đã có một vài người làm, song khi thành phẩm ra mắt đều chưa đạt được sự đồng thuận cao. Ông là người tham gia dự án sau, vì thế bản thiết kế của ông thực sự là công việc rất khó khăn. Nếu chỉ làm một bản chiếu theo kiểu thông thường thì đơn giản, song với yêu cầu một bản “Chiếu dời đô” hoành tráng, có thể lưu lại tới nhiều đời sau là một đòi hỏi phức tạp, bởi chiếu cần phải đảm bảo được sự cân đối về tỷ lệ kích thước, độ cứng vững và kết cấu chắc chắn.
Về kết cấu đã vậy, phần họa tiết, hoa văn sao cho đậm chất thời Lý lại đòi hỏi nhiều công phu hơn. Trải qua thời gian dài nghiên cứu mẫu mã, trao đổi thông tin giữa nhà điêu khắc, họa sĩ Trần Tuy và nghệ nhân Vũ Quý, đến đầu năm 2010, hình ảnh về “Chiếu dời đô” mới chính thức được hoàn thành trên bản vẽ. Theo đó, “Chiếu dời đô” được thực hiện theo phong cách thời Lý. Phía trên là đôi rồng chầu lá đề rất đặc trưng của thời Lý (khác với lưỡng long chầu nhật hay chầu nguyệt của thời Nguyễn sau này). Phía ngoài đôi rồng là đôi phượng. Nghệ nhân Vũ Quý và các cộng sự đã làm việc không quản ngày đêm từ việc chọn những thanh gỗ lớn 5-6m, đòi hỏi phải nguyên khúc chứ không được ráp nối, sau đó ngâm tẩm, sấy kỹ để tránh co ngót.
Tiếp đó là công đoạn chạm, khắc được thực hiện tỉ mỉ từ những khúc gỗ nguyên khối này. Cùng thời gian này, theo mẫu của nhà thư pháp danh tiếng Nguyễn Văn Bách, nghệ nhân Thế Long ở làng nghề Đại Bái- Bắc Ninh cũng bắt tay vào thực hiện nội dung con chữ của bức “Chiếu dời đô”. Mỗi ngày miệt mài làm việc, nhiều nhất chỉ hai con chữ được hoàn thiện theo ý, họa sĩ Trần Tuy kể, tổng cộng có 214 chữ được làm trong 10 tháng.
Khi đã hoàn tất, “Chiếu dời đô” mạ vàng đạt kích thước và trọng lượng khổng lồ: 458cm x 385cm, nặng 5 tấn, được chế tác từ 7 tấn gỗ nguyên khối. Tác phẩm gồm 2 mặt: Mặt trước trình bày nguyên bản chữ Hán “Chiếu dời đô”, mặt sau là bản dịch phiên âm, bản dịch ra tiếng Việt và tiếng Anh. Phần khung của tác phẩm được làm bằng gỗ tự nhiên, phần chữ được các nghệ nhân gò tay với chất liệu là đồng, mạ vàng 9999. Chiều cao mỗi chữ là 10cm, được gắn bằng bulông nghệ thuật bắc chắc chắn trên 12 tấm gỗ hương tự nhiên quý hiếm của Việt Nam. Đặc biệt, phần nền được tạo thành bằng 12 tấm gỗ hương, tượng trưng cho 12 tháng của bốn mùa Xuân - hạ - thu - đông. Điều này thể hiện mong muốn tác phẩm sẽ “thuận” theo sự tuần hoàn của thời gian, để có thể tồn tại vĩnh hằng với vũ trụ.
Đây là “Chiếu dời đô” lớn, quy mô nhất trong những bức “Chiếu dời đôâ” đã được thể hiện trên nhiều chất liệu, hình thức. Tác phẩm mỹ nghệ cao cấp này cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Song với người họa sĩ, nhà điều khắc Trần Tuy, ông vẫn có đôi chút chưa thực sự mãn nguyện. Ông buồn buồn tâm sự, giá như sức khỏe tốt hơn, theo sát và kiểm tra trực tiếp được việc thể hiện thiết kế trên gỗ, đường nét sẽ tinh tế và có hồn hơn nữa
THU HÀ