Trong dự thảo quy chế về dạy thêm và học thêm của Bộ GDĐT đang đưa ra “trưng cầu dân ý”, điều đầu tiên tôi nhận thấy đó là tính hoàn thiện và thoáng hơn so với những quy định trước đây.
Trước đây phân quyền quản lý việc dạy thêm của giáo viên cho hiệu trưởng các trường là một điều bất cập, một “nhiệm vụ bất khả thi” đối với các hiệu trưởng, vì mỗi trường có hàng trăm giáo viên mà địa bàn sinh sống của họ thì mênh mông nên không tài nào hiệu trưởng có thể quản chặt và giám sát được từng giáo viên. Nay, dự thảo đã “chuyển giao” quyền quản lý lại cho địa phương là một hướng đi hợp lý.
Thử đặt câu hỏi: Vì sao dạy thêm và học thêm luôn bị kêu ca, lên án... nhưng vẫn phát triển? Thật ra, chuyện dạy thêm, học thêm là một nhu cầu của xã hội. Có cầu ắt có cung theo quy luật của cuộc sống, vì vậy, không nên cấm đoán, không nên chỉ nói một chiều với những mặt trái của vấn đề.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hài hòa được việc dạy thêm với việc dạy ở trường cho hợp lý. Theo tôi, bản chất của việc dạy thêm, học thêm không xấu. Học thêm là nguyện vọng và là quyền lợi chính đáng của người học nên cho người học đăng ký và lựa chọn giáo viên dạy. Những nội dung giáo viên giảng dạy thêm đa phần là những kiến thức bổ ích học trò cần tiếp thu.
Vấn đề đặt ra ở đây là gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp hài hòa để có phương pháp định hướng quản lý cho phù hợp, để dạy thêm, học thêm có thể phát huy được những mặt tích cực, góp phần nâng cao kiến thức giúp học sinh nắm chắc kiến thức khoa học, kiến thức phổ thông.
LÊ THIÊN NGÂN