
(SGGPO). – Sáng 29-7, Quốc hội khóa mới thảo luận về kinh tế-xã hội. Nhiều ý kiến tập trung vào vấn đề sự cố cá chết ở 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra.
Trước đó, Chính phủ đã gửi đến ĐBQH báo cáo tình hình, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục sự cố môi trường làm hải sản chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Báo cáo này khẳng định nguyên nhân là do các độc tố Phenol, Xyanua từ nguồn thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Chính phủ cho biết vẫn tồn tại màng bám keo tụ tại các khu vực san hô và một số khu vực trầm tích dưới đáy biển. Hiện Bộ TN-MT đang triển khai chương trình khảo sát, điều tra, đánh giá ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung. Qua kết quả quan trắc cho thấy, tại thời điểm xảy ra sự cố, môi trường nước biển bị ô nhiễm bởi một số thông số Sắt, Phenol, Amoni,…Đến nay mức độ ô nhiễm môi trường nước có xu hướng giảm dần, chất lượng nước biển đảm bảo an toàn cho mục đích tắm biển, du lịch.
Về đánh giá tồn lưu ô nhiễm, kết quả khảo sát bằng hình ảnh cho thấy, vẫn tồn tại lớp huyền phù, màng bám keo tụ tại các khu vực san hô, nền đá cứng và một số khu vực trầm tích dưới đáy biển. Mức độ ô nhiễm và tính chất của hợp chất ô nhiễm sẽ được đánh giá chính xác sau khi có kết quả phân tích mẫu trong tháng 8-2016. Trường hợp các kết quả phân tích cho thấy vẫn còn ô nhiễm tồn lưu trầm tích đáy biển cần phải xử lý, cơ quan chức năng và nhà khoa học sẽ nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế về xử lý, lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam và đặc điểm của chất ô nhiễm tồn lưu. Tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn đơn vị xử lý, tiến hành xử lý thí điểm tại khu vực Cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh). Kết quả xử lý môi trường biển sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về kiểm điểm trách nhiệm, Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, làm rõ trách nhiệm đối với những thiếu sót. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời, đã giao Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Chính phủ cũng đã phân công các bộ ngành xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Trong tháng 8-2016 việc bồi thường thiệt hại trực tiếp đến được với người dân. Từ nay đến hết tháng 9-2016, Bộ TN-MT sẽ tiến hành đợt thanh tra diện rộng đầu tiên đối với các cơ sở có nguồn thải lớn ra lưu vực sông, vùng ven biển trên phạm vi cả nước.

ĐB Trần Công Thuật (Quảng Bình) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lã Anh
Sự cố cá chết trở thành mối quan tâm lớn nhất của ĐBQH đến từ các tỉnh miền Trung bị sự cố. Theo ý kiến của ĐB Trần Công Thuật (Quảng Bình), sự cố cá chết kéo lùi sự phát triển của tỉnh, người dân bất bình, phẫn nộ, không yên. ĐB đề nghị sớm công khai các khoản bồi thường, hỗ trợ cho dân; kiên quyết xử lý những sai phạm của Formosa. Cần sớm trả lời rõ ràng cho dân khi nào thì biển an toàn, khi nào thì dân ăn cá được, vùng biển nào là an toàn. “Lòng dân không yên, thế lực thù địch lợi dụng để kích động. Đại đa số người dân tin, chờ đợi vào Đảng, Nhà nước, chỉ một bộ phận nhỏ dân bị kích động, cần phải sớm trả lời hết mọi vấn đề để dân an”, ĐB Trần Công Thuật nói.
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng cho rằng, thiệt hại do Formosa gây ra là vô cùng nặng nề, phải mất mấy chục năm mới khắc phục. Người dân đang sống khắc khoải. Cuộc sống của ngư dân bị xáo trộn. Còn gì buồn hơn khi ngư dân không còn bám biển mà phải đi tìm việc khác, tìm nơi khác để sinh sống. Khách du lịch đến Quảng Trị chưa được 1/10 của trước đây. “Đề nghị Chính phủ thống kê thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực để hỗ trợ thỏa đáng. Giám sát chặt hoạt động của Formosa để bảo đảm không vi phạm lần 2. Khôi phục hệ sinh thái, trả lại biển sạch cho ngư dân sinh sống. Phải làm sớm, kịp thời. Chính phủ đang nỗ lực khắc phục, nhưng Quốc hội cũng không được đứng ngoài cuộc. Cần làm rõ những doanh nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng để ngăn chặn sự cố”, ĐB Hà Sỹ Đồng nêu.

ĐB Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên-Huế) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lã Anh
ĐB Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên-Huế) cũng cho rằng, cần coi 4 tỉnh miền Trung bị sự cố là ưu tiên trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Đặc biệt, nhân dân yêu cầu phải giám sát cam kết của Formosa, coi đó là bài học xương máu trong việc xây dựng các công trình, dự án, không để sự cố tương tự xảy ra.
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nhấn mạnh, sự cố Formosa, người dân vẫn chờ câu hỏi bao giờ biển trong lành như xưa, liệu công nghệ của Formosa có an toàn hay không. “Nếu không thì có cần thiết tồn tại dự án này hay không? Phải chăng quyền sống trong môi trường trong lành của dân đang bị xâm phạm?”. ĐB Tô Văn Tám đề nghị Chính phủ rà soát tất cả các dự án có thể gây ô nhiễm môi trường để xử lý nghiêm, kịp thời ngăn chặn nguy cơ gây sự cố môi trường. “Không đánh đổi tương lai để lấy hiện tại. Cử tri đánh giá cao thông điệp của Thủ tướng không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường”, ĐB Tô Văn Tám nói.
PHAN THẢO