(SGGP).- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Trung ương, lũ đầu nguồn sông Cửu Long, vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đang xuống. Mực nước đo được vào lúc 7 giờ ngày 1-11 trên sông Tiền tại Tân Châu 4,3m (thấp hơn 0,2m so với báo động 3), trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,91m (thấp hơn 9cm so với báo động 3).
Trong 5 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên tiếp tục xuống. Đến ngày 4-11, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu xuống mức 4,05m, trên báo động 2: 0,05m; trên sông Hậu tại Châu Đốc xuống mức 3,65m, trên báo động 2: 0,15m; trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa ở mức 2,6m trên báo động 3: 0,2m; tại các trạm chính vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên ở mức báo động 2 - báo động 3.
Trong khi đó, tại Sóc Trăng, những ngày qua do lũ thượng nguồn đổ về, kết hợp với triều cường đã làm nhiều tuyến đê bao tại các huyện Cù Lao Dung, Kế Sách, Vĩnh Châu, Trần Đề bị vỡ, tràn, gây ngập úng, thiệt hại hàng ngàn hécta hoa màu, thủy sản, trị giá trên 52 tỷ đồng.
Tại Tiền Giang, đến nay toàn tỉnh đã có 2 trường hợp bị chết đuối trong đó có 1 trẻ em 5 tuổi (ở huyện Cai Lậy); 34 điểm trường bị ngập làm gần 6.000 học sinh vùng lũ phải nghỉ học. Nước lũ kết hợp triều cường làm ngập 460ha khóm ngoài đê bao ở huyện Tân Phước, gần 120ha hoa màu và gần 6.400ha cây ăn trái, 5.095 căn nhà, trên 150ha mặt nước nuôi thủy sản ở 4 huyện đầu nguồn, thất thoát gần 41 tấn thủy sản các loại. Tổng thiệt hại trên 20 tỷ đồng.
Tại Trà Vinh, triều cường dâng cao đã làm sạt lở và vỡ hơn 60 đê bao gây ngập úng gần 600ha mía và hàng trăm hécta hoa màu tại huyện Trà Cú. Tại huyện Duyên Hải, nước biển dâng cao làm sạt lở 1.600m đê ấp Chợ, xã Hiệp Thạnh, gây thiệt hại trên 1.000 cây phi lao rừng phòng hộ ven biển. Tại xã Trường Long Hòa, 3 đoạn đê biển tại ấp Cồn Trứng bị sạt lở, mỗi đoạn dài 300m. Nước biển tràn vào đất sản xuất nông nghiệp, khiến bà con nông dân ngày càng lao đao.
Nhóm PV