
Những cơn mưa trái mùa vào giữa tháng 2 khiến nhiều đồng muối bị thiệt hại trầm trọng. Ông Ngô Văn Thử, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, tiếc rẻ: “Mưa đã làm nhiều diện tích muối tan thành nước, mất khoảng 2 tỷ đồng. Hiện thời bà con đang tập trung khôi phục lại đồng muối để đến tháng 3, tháng 4 sẽ vào vụ thu hoạch rộ”. Theo ông Thử, nếu giá muối giữ mức này thì chẳng những lấy lại những thiệt hại do mưa gây ra mà kinh tế của vùng biển Thạnh Phước sẽ phất lên thấy rõ trong năm 2009.
Giá tăng kỷ lục
Chưa bao giờ giá muối ở ĐBSCL liên tục nhảy vọt như hiện nay. Đầu tháng 2-2009, giá muối ở mức 60.000đ/giạ thì nay tăng lên 70.000-75.000đ/giạ, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu hoạch muối tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre
Hai xã Thạnh Phước và Thới Thuận là nơi có cánh đồng muối lớn nhất huyện Bình Đại (Bến Tre). Những ngày này người dân vào đợt thu hoạch muối bán được giá cao nên ai nấy rất phấn khởi.
Ông Huỳnh Văn Chớp, chủ 3ha muối ở xã Thạnh Phước mừng ra mặt: “Mới đầu vụ mà giá muối đã cao ngất ngưởng, sướng thật”. Nhiều năm làm muối nhưng chưa bao giờ ông Chớp chứng kiến giá muối nhảy vọt ngay thời điểm sau tết như năm nay.
Theo tính toán, với giá này mỗi ha muối thu về từ 50-70 triệu đồng, riêng những hộ canh tác giỏi có thể đạt 100 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với nhiều loại cây con khác. Ông Trần Văn Mừng có ruộng muối cạnh đó chia vui: “Nghề làm muối ở xứ biển vất vả lắm, suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, hứng chịu nắng gió cháy da.
Tuy nhiên, mỗi khi muối được giá cao và dễ tiêu thụ thì bao mệt nhọc cũng vơi hết”. Đúng như lời ông Mừng nói, đồng muối ở huyện Bình Đại rất nhộn nhịp, nhiều diêm dân tranh thủ cả nắng trưa để thu hoạch và chăm sóc ruộng muối, còn thương lái đưa ghe ra tận bờ kênh thu mua chở đi các nơi tiêu thụ.
Ở huyện Đông Hải, thủ phủ muối của tỉnh Bạc Liêu, hàng ngàn hộ phấn khởi vào vụ mới. Ông Trịnh Văn Thanh, hơn 40 năm làm muối ở xã Long Điền Tây cho biết: “Giá muối lúc này ở mức 70.000- 75.000đ/giạ, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái, thiệt không ai ngờ tới. Giá càng cao, thương lái các nơi tìm tới mua càng nhiều, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu”.
Cả xã Long Điền Tây xôn xao về chuyện trúng giá muối, nhiều người bảo đây là “lộc” đầu năm mang đến cho bà con xứ biển. Diêm dân Nguyễn Văn Hùng kỳ vọng, năm nay dân làm muối sẽ vượt khó đổi đời, với tình hình này thì nghề muối có thể giúp bà con mua xe, xây nhà kiên cố. Tại Trà Vinh và Sóc Trăng, dân làm muối cũng háo hức vì được giá. Những cánh đồng muối vắng lặng ngày nào, nay không khí vụ mùa diễn ra rất nhộn nhịp.
Tính chuyện làm giàu
Mặc dù giá muối tăng cao nhưng diêm dân hưởng lợi chưa nhiều bởi mới đầu vụ sản lượng thu hoạch còn ít.
Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết, năm 2004 về trước giá muối rớt tệ hại, bán không ai mua, thu hoạch xong bỏ trắng đồng. Vài năm trở lại đây muối bắt đầu có giá nên bà con đã quay lại với nghề muối. Tại xã Thạnh Phước, năm 2007 chỉ mới khôi phục được vài chục ha, nay diện tích muối của xã tăng lên hơn 300ha. Dự báo đồng muối sẽ còn mở rộng trong thời gian tới. Ở xã Thới Thuận, nhiều hộ dân cũng mạnh dạn phá bỏ đồng tôm để chuyển sang làm muối.
Tại Bạc Liêu, diêm dân các huyện Đông Hải, Hòa Bình… đã nâng diện tích muối lên gần 2.300ha, sản lượng ước trên 100.000 tấn/năm. Có thể nói, nghề muối ở vùng ven biển ĐBSCL đang hồi sinh, tuy nhiên ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương vẫn còn trăn trở bởi giá muối thường không ổn định. Tình trạng “được mùa - dội chợ - rớt giá” vẫn xảy ra và diêm dân luôn là người chịu thiệt. Mặt khác, nghề muối dù ra đời từ rất lâu nhưng đến nay vẫn còn sản xuất chủ yếu bằng phương pháp thủ công dẫn đến năng suất thấp, chất lượng chưa cao.
Tình trạng sản xuất tự phát, giữa doanh nghiệp và diêm dân chưa có hợp đồng bao tiêu nên thiếu tính ổn định lâu dài. Chính vì thế mà Sở NN-PTNT Bạc Liêu không dám khuyến cáo diêm dân ào ạt phát triển diện tích. Tại Bến Tre, Sóc Trăng và Trà Vinh cũng tương tự. Đa số những cánh đồng muối mới hiện nay là do người dân nuôi tôm bị lỗ, trong khi muối được giá nên diêm dân chuyển sang làm muối.
Ông Nguyễn An Ri, Chủ tịch UBND xã Thới Thuận cho rằng: “Để nghề muối phát triển bền vững, ngành chức năng cần tính toán quy hoạch lại diện tích, sản lượng, chất lượng cho hợp lý và có đầu tư rõ ràng, tránh làm tự phát theo phong trào”.
Ngoài ra, ông Lương Ngọc Lân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho rằng, đất ít, sản xuất thủ công nhỏ lẻ, manh mún, đầu ra không ổn định… là những nguyên nhân khiến nghề muối chưa thể làm giàu. “Nếu chúng ta tiến lên sản xuất công nghiệp, quy mô lớn, hình thành trang trại… kết hợp với luân canh nuôi cá kèo, nuôi tôm trên ruộng muối, khi đó nghề làm muối mới có thể đổi đời”, ông Lân nhận định.
Việt Nam có khoảng 3.000km bờ biển nhưng vẫn phải nhập muối. Dự kiến năm 2009 sẽ nhập khoảng 250.000 tấn muối. Nguyên nhân là do nhu cầu phục vụ ngành công nghiệp hóa chất và chế biến ngày càng tăng, đồng muối nhiều nơi bị thu hẹp nhường chỗ cho dự án công nghiệp, đô thị, du lịch… Ngoài ra, thời tiết diễn biến thất thường nên năng suất không đảm bảo. Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất muối đến năm 2010, diện tích cả nước khoảng 14.500- 15.000ha, sản lượng 1,5 triệu tấn; năm 2020 nâng sản lượng lên 2 triệu tấn, trong đó hơn 50% là muối công nghiệp. |
Huỳnh Phước Lợi