ĐBSCL: Gia cố đê bao bảo vệ lúa thu đông

Thống kê đến nay tỉnh Đồng Tháp đã xuống giống được gần 92.000 ha lúa vụ thu đông, đạt trên 93% kế hoạch và đã thu hoạch được gần 15.000 ha xuống giống sớm với năng suất bình quân 4,88 tấn/ha. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Tháp, hiện nước lũ đang lên nhanh, mực nước ở đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp đã cao hơn so với cùng kỳ năm 2010. Đây là dấu hiệu cho thấy mùa nước năm nay diễn biến nhanh và có khả năng xảy ra lũ lớn.

(SGGP).- Thống kê đến nay tỉnh Đồng Tháp đã xuống giống được gần 92.000 ha lúa vụ thu đông, đạt trên 93% kế hoạch và đã thu hoạch được gần 15.000 ha xuống giống sớm với năng suất bình quân 4,88 tấn/ha. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Tháp, hiện nước lũ đang lên nhanh, mực nước ở đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp đã cao hơn so với cùng kỳ năm 2010. Đây là dấu hiệu cho thấy mùa nước năm nay diễn biến nhanh và có khả năng xảy ra lũ lớn.

UBND tỉnh Đồng Tháp đã cùng với lãnh đạo Sở NN-PTNT kiểm tra công tác bảo vệ lúa thu đông tại các huyện phía Bắc (đầu nguồn). Đến thời điểm này, các công trình gia cố đê bao, thủy lợi, trạm bơm theo kế hoạch tại những diện tích sản xuất lúa thu đông của các địa phương đã cơ bản hoàn thành. Ngoài ra, một số nơi cũng đang triển khai thi công các công trình bổ sung. Riêng tại hai tuyến bờ bao kênh Cả Mũi của cánh đồng 800 ha Chín Kheo - Bắc Viện của huyện Tân Hồng, địa phương đã tạm dừng thi công đê bao theo kế hoạch, chuyển sang củng cố các đoạn sẵn có để đề phòng nước tràn. 

Theo kế hoạch, vụ thu đông năm nay, Đồng Tháp xuống giống 99.300 ha lúa, tăng khoảng 38.000 ha so với vụ trước. Nhưng trong số diện tích đã xuống giống có nhiều diện tích đang đứng trước nguy cơ bị ngập úng, do chưa chuẩn bị đê bao chu đáo.

Nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên, tỉnh Kiên Giang thuộc các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, thị xã Hà Tiên và một phần của huyện Tân Hiệp, thành phố Rạch Giá đang triển khai tích cực kế hoạch, phương án nhằm chủ động ứng phó với lũ được dự báo sẽ cao nhất trong gần 10 năm qua. Huyện Kiên Lương là khu vực tập trung thoát lũ của toàn vùng Tứ giác Long Xuyên đã triển khai các phương án chủ động đối phó khi xảy ra lũ, nhất là 2 xã Hòa Điền và Kiên Bình nằm trong rốn lũ.

Huyện vận động nông dân thu hoạch dứt điểm hơn 13.000 ha lúa hè thu trước khi lũ đổ về gây ngập vào nửa cuối tháng 9, bảo quản tốt sản phẩm nông sản hàng hóa. Các lớp tập bơi cho học sinh tiểu học được mở, kết hợp tổ chức các điểm giữ trẻ khi có lũ lớn. 

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã sẵn sàng với hơn 200 người, 10 ca nô, ghe, xuồng và 1.000 phao cứu sinh. Ngoài ra, huyện vận động những hộ gia đình có ghe, xuồng khoảng 1.800 chiếc tham gia lực lượng phòng chống lụt, bão tại các địa phương kết hợp chuẩn bị túi dự trữ nhu yếu phẩm sử dụng 3 - 7 ngày phòng lũ lớn kéo dài.

Hiện nay các địa phương thuộc tỉnh An Giang đang tập trung huy động máy bơm trong vùng cũng như các vùng lân cận để khẩn trương bơm rút nước, đồng thời các chủ đường nước cũng tạm ứng chi phí bơm rút nước để nông dân yên tâm cứu lúa. Đặc biệt trong đó có trên 420 ha lúa hè thu của huyện Châu Phú là vùng canh tác 2 lúa + 1 màu nên sản xuất lúa hè thu muộn, hiện lúa đang trong giai đoạn làm đồng đến trổ bông. 

Ngoài diện tích hè thu muộn chưa thu hoạch, hiện An Giang tăng diện tích lúa vụ 3 xuống giống trên 135.000 ha, tăng 20.000 ha lúa và 10.000 ha hoa màu so năm trước, đồng thời mực nước lũ ở tỉnh cũng đang lên rất nhanh, cao hơn gấp đôi so cùng kỳ, hiện đã xấp xỉ mức báo động 2. Chi Cục thủy lợi, BCH PCLB tỉnh đã tổ chức trực lũ 24/24 và tăng cường kiểm tra thường xuyên các đê bao, huy động lực lượng phòng nông nghiệp, đội dân phòng, công an, bộ đội, Chữ thập đỏ… đóng trên địa bàn trong tư thế sẵn sàng ứng cứu, xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục