* Cứu lúa thì hại tôm và ngược lại
Đến cuối tháng 5, ĐBSCL mới có mưa rải rác nhưng không thấm vào đâu so với tình hình khô hạn và mặn xâm nhập đã vào giai đoạn đỉnh điểm. Hàng ngàn hécta lúa, cây ăn trái, hoa màu... đang thiếu nước tưới, hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng.
Hơn 5 tháng qua, nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền các vùng ven biển ĐBSCL từ 50 đến 70km, độ mặn trung bình tăng 2 – 3‰ so với nhiều năm. Nước mặn làm ảnh hưởng khoảng 40% diện tích sản xuất lúa xuân hè toàn vùng. Ngoài ra còn 100.000ha khác có nguy cơ bị xâm nhập mặn.
Hiện nay, ĐBSCL có đến 1/3 dân số ở khu vực nông thôn đang thiếu nước ngọt sinh hoạt. Tại các tỉnh đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, trước diễn biến nắng nóng gay gắt và kéo dài, lượng mưa không đáng kể đã vắt kiệt nhiều tuyến kênh, mương dẫn nước.
Người dân vùng ngập lũ An Giang, Đồng Tháp giờ đây đang đối mặt với cơn khát nước sạch khi phải tận dụng các ao tù cáu bẩn hay từ các dòng kênh đầy chất thải từ những đàn vịt chạy đồng để sử dụng trong sinh hoạt.
So với các tỉnh khác trong vùng, Bến Tre là tỉnh “đau khổ” nhất vì mặn xâm nhập cao do trên địa bàn có nhiều sông lớn dẫn vào từ biển Đông. Hiện tại, độ mặn 1,6‰ đã phủ khắp địa bàn tỉnh. Tại TP Bến Tre, độ mặn đã lên đến 6‰, vàm Cái Mơn (Chợ Lách) từ 3 – 5‰.
Trước tình trạng nước mặn như hiện tại, nước sinh hoạt tại TP Bến Tre là vấn đề khá nan giải. Để giảm độ mặn, công ty cấp nước tỉnh đã cho hoạt động hết công suất trạm bơm nước thô tại xã Thành Triệu và bãi giếng nước ngầm Châu Thành, đồng thời khai thác hết công suất cho phép của Nhà máy nước ngầm Hữu Định với độ mặn ổn định dưới 0,4‰ rồi hòa trộn vào nguồn nước mặt, cung cấp cho TP Bến Tre nhằm kéo giảm độ mặn của nguồn nước mặt lấy từ sông Hàm Luông; dùng xe bồn 5m³/xe để chở nước từ Nhà máy nước Sơn Đông, Nhà máy nước ngầm Hữu Định để cung cấp cho bệnh viện, khách sạn, cơ quan…
Tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, diễn biến mặn - ngọt khá khốc liệt do sản xuất tôm - lúa. Ông Liên An Lộc, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Giá Rai cho biết, đến nay toàn huyện có trên 6.000ha tôm nuôi bị thiệt hại nặng. Nguyên nhân có nhiều, nhưng tựu trung vẫn là thiếu nước mặn và nắng nóng kéo dài.
Theo ông Lộc, sở dĩ có hiện tượng thiếu nước mặn là do tỉnh có chủ trương giữ ngọt, không cho mở cống lấy nước mặn để cứu trên 20.000ha lúa của vùng Bắc quốc lộ 1A. Vì vậy, trên 16.000ha tôm nuôi ở huyện Giá Rai rơi vào tình trạng thiếu nước mặn sản xuất nghiêm trọng.
Ông Phan Minh Quang, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Bạc Liêu cho biết: “Chúng tôi cố gắng điều tiết nước phục vụ cho cả người nuôi tôm và người trồng lúa sao cho hài hòa trong cùng một hệ thống thủy lợi, nhưng việc này không dễ. Hễ đảm bảo cây lúa đủ nước ngọt thì lại thiếu nước mặn cho con tôm”.
Đây không phải là năm đầu tiên việc tranh chấp mặn - ngọt xảy ra tại Bạc Liêu. Năm 1998, người dân từng tự ý phá đập dẫn nước mặn vào vùng quy hoạch ngọt hóa Quản Lộ - Phụng Hiệp để nuôi tôm. Sau 10 năm, mặn vẫn thiếu mà ngọt cũng chẳng đủ. Cứu cây lúa vô tình làm hại con tôm
HOÀNG HÀ - LƯ DŨNG
Vừa qua, sau khi khảo sát thực tế tình hình thiếu nước ngọt thuộc các huyện Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Hòa Bình và khảo sát các trục kênh dẫn nước ngọt từ huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Phan Quốc Hưng chỉ đạo: Trước mắt tỉnh Bạc Liêu sẽ liên hệ với tỉnh Sóc Trăng tạm thời đắp một số đập ngăn mặn ở tuyến kênh xáng Nàng Rền và các tuyến kênh khác, nhằm ngăn nước mặn xâm nhập và dẫn nước ngọt từ huyện Ngã Năm về vùng ngọt ổn định của tỉnh Bạc Liêu. Nếu được Sóc Trăng thống nhất với phương án này, các ngành chuyên môn của địa phương phải phối hợp chặt chẽ để khảo sát hệ thống kênh có khả năng dẫn ngọt; thiết kế kỹ thuật hệ thống đập ngăn mặn, chuẩn bị máy móc, vật tư để chủ động đắp đập… |