ĐBSCL: Lo ngại tình trạng tảo hôn

Chính quyền nhiều địa phương ở ĐBSCL đang rất đau đầu trước tình trạng tảo hôn của nhiều thanh niên mới lớn, không có nghề nghiệp ổn định. Đáng lo ngại là phần lớn phụ huynh đều biết việc tổ chức cưới - gả con ở tuổi vị thành niên là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn làm vì “gạo đã nấu thành cơm”.
ĐBSCL: Lo ngại tình trạng tảo hôn

Chính quyền nhiều địa phương ở ĐBSCL đang rất đau đầu trước tình trạng tảo hôn của nhiều thanh niên mới lớn, không có nghề nghiệp ổn định. Đáng lo ngại là phần lớn phụ huynh đều biết việc tổ chức cưới - gả con ở tuổi vị thành niên là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn làm vì “gạo đã nấu thành cơm”.

Sau một tháng làm quen qua mạng xã hội, ngày 24-11, bé gái L.T.C.T. (12 tuổi, ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đón xe đò vượt hàng trăm kilômét đến Cà Mau để gặp người yêu tên Nguyễn Minh Năng (22 tuổi, ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh). Tối hôm đó, tại nhà Năng, dù đã được người lớn can ngăn nhưng cả 2 đã lén “đến với nhau”. Vụ việc đổ bể, 2 gia đình Năng và T. đến trình Công an xã Nguyễn Phích, đồng thời xin tổ chức đám cưới cho con mình. Hiện công an tỉnh Cà Mau đang thụ lý vụ án, điều tra Nguyễn Minh Năng về tội hiếp dâm trẻ em.

Cô dâu nhí Đ.T.C.N. và chồng Trần Văn Cơ ở quận Ô Môn.

Đáng chú ý, trường hợp ông Lê Công Quẩn, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, biết rành pháp luật nhưng vẫn tổ chức lễ cưới chống cho con gái chưa đủ 16 tuổi tên L.H.T.Th. vừa nghỉ học lớp 10. Chú rể tên Hoàng V. cũng vừa nghỉ học lớp 11. Đám cưới rình rang diễn ra chiều ngày 11-7 (trong giờ hành chính) ngay tại khuôn viên trụ sở UBND xã Phú Thuận, khiến nhiều người dân bàn tán xì xầm. Vụ việc lùm xùm xày khiến ông Phú Thuận bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng.

Tình trạng tảo hôn cũng xảy ra ở các địa phương khác như Trà Vinh, Cần Thơ… Tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ vừa xảy ra chuyện tảo hôn dẫn đến hậu quả thật đau lòng. Chú rể Trần Văn Cơ, 22 tuổi, ngụ phường Châu Văn Liêm vừa bị công an bắt giữ để điều tra về hành vi giao cấu với trẻ em, sau khi kết hôn vối cô dâu nhí Đ.T.C.N. mới 14 tuổi, ở phường Trường Lạc, cùng quận Ô Môn. Đám cưới được 2 gia đình cùng cảnh nghèo khó tổ chức khá rình rang. Tiếp chúng tôi tại nhà, ông Đặng Phước Đức (cha ruột cô dâu 14 tuổi) buồn rầu nói: “Biết con N. còn nhỏ dại, chưa đủ tuổi kết hôn, cơm còn nấu chưa xong mà gả chồng cho nó là sai nhưng nó lỡ dại theo người ta về nhà ở mấy ngày rồi. Nếu giờ không gả thì nó mang tiếng theo trai, mai mốt ai dám cưới, mà mình gả thì sai pháp luật. Vả lại gia đình hai bên thấy hai đứa tụi nó thương nhau thật nên người lớn đành chấp nhận cho tụi nó cưới nhau…”. Theo bà Phan Thị Pa Ri, Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Ô Môn, cảm thấy đau lòng khi xảy ra chuyện tảo hôn như vậy. Trong vụ việc này, gia đình hai bên biết sai nhưng vẫn làm. Lý do nghèo khó không phải là chính đáng. Bé N. từng được hội phụ nữ cơ sở vận động trở lại lớp học, vận động đi học nghề… nhưng được mấy ngày thì em bỏ học. Đến khi vụ việc vỡ lỡ thì hội vẫn có trách nhiệm hướng dẫn cách phòng tránh thai cho bé N.

“Hiện ở vùng ngoại thành, sân chơi cho lứa tuổi thanh thiếu niên còn thiếu, nhất là điểm vui chơi giải trí, sân vận động, nhà thiếu nhi còn hạn chế. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp hội phụ nữ cơ sở và các đoàn thể, nhà trường… chia thành nhiều nhóm nhỏ tập huấn, hướng dẫn đến kỹ năng sống cho các em trong độ tuổi thanh thiếu niên. Đồng thời phối hợp cùng gia đình, thầy cô tìm hiểu, nắm bắt chuyển biến tâm lý, hỗ trợ các em, phòng ngừa tình trạng các em bị dụ dỗ…”, bà Pa Ri nói.

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục