
Như tin Báo SGGP đã đưa (ngày 8-10), công trình nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Cần Thơ – Năm Căn (dài trên 230km) bị đình trệ trong thời qua, gây bức xúc cho người dân địa phương. Sự việc này cho thấy nhà thầu thi công các công trình giao thông đang có nhiều vấn đề nan giải. PV Báo SGGP đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đào Đình Bình xung quanh vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình
- Bộ trưởng có thể cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đình trệ trong quá trình thi công quốc lộ 1A đoạn Cần Thơ – Năm Căn?
- Tôi cho rằng có rất nhiều nguyên nhân. Các dự án quốc tế thường có thời gian chuẩn bị rất dài. Bản thân các dự án này cũng để một khoản dự phòng rất lớn khi có phát sinh. Thế nhưng, khi triển khai dự án sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề, trong đó có cả phát sinh từ các yêu cầu của địa phương. Ví dụ như trước đây, dự án chỉ đề cập đến nâng cấp tuyến đường cũ với hai làn xe, nhưng hiện nay nhiều địa phương đề xuất mở ra 4 làn xe.
Chúng ta phải đáp ứng yều cầu chính đáng của địa phương. Nhưng nhiều khi yêu cầu bổ sung này quá lớn vượt ra ngoài nguồn vốn dự phòng của dự án. Nổi lên là khối lượng tăng lên rất lớn. Bộ GTVT sẽ dựa vào khối lượng tăng lên này để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Tất nhiên, nếu nhà thầu không thực hiện đúng cam kết này thì sẽ bị xử lý như ký kết trong hợp đồng.
- Qua sự việc này cho thấy, năng lực các nhà thầu trong huy động vốn rất kém?
- Đúng thế! Nhà thầu đang trong tình hình khó khăn về vốn. Vốn ở đây là vốn lưu động để phục vụ việc thi công công trình. Không chỉ nhà thầu khó khăn ở dự án này mà còn một số dự án khác nữa. Hiện nay, các tổng công ty thực hiện dự án đều khó khăn về tài chính. Riêng dự án này có nhiều vấn đề cấp bách, Bộ GT-VT sẽ đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ nhất định để các nhà thầu tháo gỡ khó khăn trong huy động vốn. Hiện nay, cơ bản các bộ, ngành đã nhất trí bổ sung và ứng trước thêm 100 tỷ đồng cho các nhà thầu vì khối lượng tăng lên rất lớn.
- Vậy chúng ta rút ra bài học gì qua chuyện này thưa Bộ trưởng?
- Bài học ở đây là chúng ta phải nhìn thấy thực tế các nhà thầu đang khó khăn về tài chính. Vấn đề là làm thế nào nguồn vốn dự án vào công trình không được chuyển từ chỗ này sang chỗ kia. Chính phủ đã chỉ đạo các nhà thầu không được mang trái phiếu Chính phủ để đi đáo nợ cho các dự án khác. Chính phủ yêu cầu các nhà thầu mở tài khoản tại kho bạc. Kho bạc sẽ cấp vốn cho nhà thầu theo như tiến độ thi công công trình. Về lâu dài, chúng ta phải có những giải pháp căn cơ giúp các nhà thầu thoát khỏi khó khăn về tài chính. Đây là việc không dễ dàng. Bộ GT-VT đang nghiên cứu để đưa ra chính sách về vấn đề này.

Thi công nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Sóc Trăng.
- Ngoài các tuyến quốc lộ, giao thông nông thôn (GTNT) được xem là “mạch máu” lưu thông quan trọng của ĐBSCL. Bộ trưởng có thể cho biết hướng phát triển sắp tới?
- Hiện nay, Chính phủ không chỉ quan tâm đến phát triển hệ thống quốc lộ, mà rất quan tâm đến phát triển hệ thống GTNT. Theo tôi, hệ thống GTNT phải phát triển bằng nguồn vốn ngân sách. Ví dụ như trong đợt phát hành trái phiếu lần này, Chính phủ đã để 45.000 tỷ đồng giải quyết cho 200 xã trong cả nước chưa có đường giao thông đến trung tâm xã.
Nguồn thứ hai chúng ta sử dụng vốn từ các tổ chức quốc tế. Nhiều tổ chức cũng quan tâm đến xây dựng hệ thống giao thông ở các vùng khó khăn. Như thời gian qua, chúng ta đã thực hiện dự án giao thông 1, giao thông 2 và hiện nay là giao thông 5.
Tại ĐBSCL, sắp tới Bộ GT-VT sẽ tiếp nhận 2 dự án của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng châu Á để phát triển hệ thống giao thông của ĐBSCL. Trong đó có dự án phát triển giao thông thủy và giao thông nông thôn trong vùng.
- Bộ trưởng có thể cho biết chiến lược phát triển giao thông trọng điểm của ĐBSCL trong 5 năm tới?
- ĐBSCL được xem là vùng động lực phát triển. Trong thời gian qua, các nhà tài trợ thường đầu tư theo hình thức cuốn chiếu từ Bắc vào Nam. Cho nên, ĐBSCL là nơi cuối cùng triển khai các dự án giao thông. Có một điều đáng mừng là Chính phủ đã nhận thức ra điều này và tập trung nguồn trái phiếu Chính phủ và vốn vay rất lớn cho ĐBSCL. Trong 5 năm tới (2005-2010), ĐBSCL sẽ là đại công trường về xây dựng GTVT. Chúng ta hy vọng sau năm 2010, kết cấu hạ tầng giao thông ở đây sẽ được cải thiện đáng kể, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.
CAO PHONG thực hiện