Theo Sở NN- PTNT Trà Vinh cho biết, qua kết quả phân tích 7 mẫu tôm ở các huyện Cầu Ngang và Duyên Hải, cho thấy có 5 mẫu bị bệnh hoại tử gan tụy, 2 mẫu bị bệnh đốm trắng và đầu vàng. Tôm nuôi bị chết ở giai đoạn 15 - 45 ngày tuổi.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 500 triệu con tôm giống bị chết (chiếm 30% lượng giống thả nuôi), với diện tích thiệt hại gần 5.000ha (chiếm hơn 24% diện tích). Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân tạm ngưng thả nuôi tôm, chờ đến giữa tháng 5 khi môi trường ổn định mới nuôi lại. UBND tỉnh Trà Vinh đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ 80 tấn Chlorine, để giúp người dân xử lý cải tạo ao tôm, khống chế dịch bệnh…
Tại Bến Tre, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận dịch bệnh hoành hành tôm nuôi đang rất phức tạp. Để giảm thiểu thiệt hại, tỉnh yêu cầu người dân tạm ngưng thả nuôi tôm, chờ khuyến cáo mới của ngành chức năng. Đồng thời tăng mức hỗ trợ hóa chất từ 50% lên 100% cho hai huyện Ba Tri và Bình Đại, giúp người nuôi tôm xử lý ao, diệt mầm bệnh, không để lây lan trên diện rộng. Đến nay, Bến Tre có 1.000ha tôm ở huyện Ba Tri bị chết 15% diện tích, riêng hai xã Tân Xuân và Bảo Thạnh, tôm chết hơn 95%. Huyện Bình Đại, diện tích thả nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh gần 1.000ha, trong đó diện tích thiệt hại chiếm hơn 32%.
Ông Ngô Thanh Lĩnh, Phó phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau đang rớt giá liên tục. Hiện tôm sú loại 20 con/kg giá chỉ còn 200.000 đồng/kg, giảm 50.000 đồng/kg so với tháng trước; loại 30 con/kg giá 165.000 đồng/kg, giảm 30.000 đồng/kg… Riêng tôm thẻ chân trắng bị rớt giá thê thảm, loại 100 con/kg chỉ còn 80.000 đồng/kg, giảm gần 30.000 đồng/kg. Dự báo trong vài ngày tới, giá tôm sú nguyên liệu ở Cà Mau tiếp tục giảm do các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL đang gặp khó khăn trong việc tìm đối tác nhập khẩu dẫn tới sức mua tôm nguyên liệu giảm.
Đ.Cảnh - T.Quốc - Đ.Tuyển