(SGGP).- Ngày 21-5, tại TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp với Quỹ đất ngập nước Hoa Kỳ (AWF), Đại sứ quán Hà Lan, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), Trung tâm nghề cá Thế giới (WFC)… tổ chức Hội nghị đối thoại các vùng đồng bằng (Delta) 2013.
Tại Hội nghị quan trọng này, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đứng trước nguy cơ tụt hậu. Sự tụt hậu đó không chỉ về phát triển kinh tế mà còn về trình độ dân trí. Ông Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nhấn mạnh, hiện chỉ có 0.8%/3 triệu người dân tại khu vực này theo đuổi tiếp các bậc học đại học. Đây sẽ là rào cản lớn để định hướng người dân sống thích ứng với biến đổi khí hậu.
ĐBSCL hiện có 2,5 triệu ha đất trồng lúa bị đe dọa nghiêm trọng do tình trạng xâm nhập mặn gây ra. Tình trạng xâm nhập mặn này không chỉ xuất phát từ nguyên nhân biến đổi khí hậu mà còn do việc phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thủy- hải sản thiếu quy hoạch đồng bộ, thống nhất giữa các tỉnh, thành.
Để hạn chế những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, nhiều ý kiến cho rằng khi quy hoạch phát triển kinh tế vùng ĐBSCL cần có các giải pháp ngắn, trung và dài hạn. Trong đó, giải pháp ngắn hạn và trung hạn là làm thế nào để giữ đất để tạo cơ sở cho quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng; chuyển từ hình thức canh tác độc canh sang xen canh và thâm canh; tăng diện tích rừng ngập mặn khu vực ven biển để tăng sự bồi lắng; giảm, tiến tới kiểm soát chặt việc sử dụng nước ngầm quá mức phục vụ cho hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản để giảm tình trạng xâm nhập mặn tiến sâu vào đất liền.
ÁI VÂN