

Người dân Lai Vung, Đồng Tháp mang mai nhánh ra bán trong dịp tết.
Năm nay nông dân ĐBSCL trúng mùa – trúng giá trái cây, rau màu, lúa, thủy sản… nên nhà nhà phấn khởi mua sắm tết. Tại “Vương quốc quýt hồng” Lai Vung (Đồng Tháp) người dân trang hoàng nhà cửa khang trang, mua sắm những thứ cần thiết trong 3 ngày tết.
Anh Phạm Văn Lắm, ở xã Long Hậu (Lai Vung) phấn khởi: “Chưa bao quýt hồng trúng đậm như năm nay, tôi chỉ có 1 công mà năng suất đạt gần 8 tấn, lời trọn 63 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay”. Số hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng rất nhiều nên nhà nào cũng ăn tết lớn.
Trong khi đó, những nhà vườn trồng nhãn ở Vĩnh Long, Bến Tre… cũng phấn khởi đón tết khi giá nhãn “đạt trần” 9.000-11.000đ/kg. Nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa đông-xuân sớm năng suất cao 6 - 7 tấn/ha, giá lúa thơm được thương lái mua tại ruộng từ 3.800-4.200đ/kg. Đặc biệt, nhiều hộ nuôi cá tra, ba sa hiện đang thắng lớn, lời bạc tỷ. Có thể nói, năm nay nông dân ăn tết sung túc hơn mọi năm rất nhiều.
Làm ăn thuận lợi, đã kéo theo sức mua sắm tết những ngày qua ở ĐBSCL lên rất cao. Tại Vĩnh Long, ước tính lượng hàng hóa phục vụ dịp tết hơn 700 tỷ đồng. Tại TP Long Xuyên (An Giang) vừa khai trương siêu thị đã chật kín người mua, mỗi ngày lượng hàng hóa bán ra trên 2 tỷ đồng. Bà Dương Thị Năm, Giám đốc Siêu thị Co-op Mart Cần Thơ nói: “Sức mua hiện nay tăng 4 - 5 lần, hầu hết các mặt hàng phục vụ tết đang bán rất chạy. Lượng hàng hóa chuẩn bị trên 30 tỷ đồng sẽ bán hết trong nay mai”.
- Các khu du lịch sẵn sàng đón khách
Trong khi đó, các khu du lịch ở ĐBSCL đang khẩn trương đón khách trong và ngoài nước về vui xuân. Tại Khu du lịch cù lao Thới Sơn (Tiền Giang) với nhiều chương trình vui xuân hấp dẫn như đi thuyền dọc sông Tiền, câu cá, đàn ca tài tử, thăm làng nghề kẹo dừa, cốm, bánh tráng… Đặc biệt, tổ chức cho khách quốc tế tham gia gói bánh tét… dự kiến sẽ đón 3.000-4.000 lượt khách đến mỗi ngày.
Tại khu du lịch trang trại Vinh Sang (Vĩnh Long), sẽ tổ chức hội chợ kết hợp các chương trình giải trí như câu cá sấu, cưỡi đà điểu… thưởng thức các món mới như cá sấu tiềm thuốc bắc, thịt đà điểu… ước tính tại đây sẽ đón khoảng 20.000 người về vui xuân.
Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết: “Phú Quốc, Hà Tiên, TP Rạch Giá, Kiên Lương… là những điểm đến chủ yếu của khách du lịch trong dịp tết năm nay. Nếu như tết năm ngoái có khoảng 5.000 du khách trong và ngoài nước về Kiên Giang thì năm nay ước có khoảng 7.000 khách. Hầu hết các khách sạn ở Phú Quốc đã không còn phòng; vé máy bay ra đảo trong dịp tết cũng đã hết!”.
- Tết miền Bắc giữa đồng bằng
Những cành đào phai chính gốc Nhật Tân đã có mặt tại Chợ hoa xuân Cần Thơ. Ngoài hoa đào phương Bắc, đào Đà Lạt cũng “xuống núi” về với miền sông nước. Nhiều cửa hàng chuyên bán đặc sản miền Bắc có bánh chưng xanh, giò chả… Bánh gói bằng nếp Bắc (nếp cái hoa vàng) với khẩu vị đúng kiểu Bắc giá khoảng 60.000đ/cái từ 1kg trở lên.
T.M.T. – K.Q. - H.P.L. – N.T.
Hà Nội: Nồng nhiệt rước xuân vào nhà
- Đào rừng về phố
Năm nay, mặc dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm song ông Hồ Thu vẫn không bỏ thói quen cùng đứa cháu ngoại dạo vài vòng quanh chợ hoa phố Hàng Lược, chợ hoa lớn nhất và cũng lâu đời nhất ở Hà Nội. Cuối cùng ông lão vẫn tìm được một gốc đào thất thốn nho nhỏ với những nụ hồng chỉ đợi một cơn gió thoảng của mùa xuân là bật nở và rất hợp màu với giò hoa tóc tiên ông đã cất công cắt tỉa từ cách đây một tháng.
Cánh trẻ bây giờ thì khác, chỉ cần ngồi trên xe máy, lượn ào một vòng quanh chợ hoa cảnh là có thể rước ngay về một cành đào hay một cây quất cành xum xuê quả. Đang có xu hướng người Hà Nội lại thích chơi đào rừng, hoa rất tươi. Vậy là năm nay, người ta ùn ùn chở đào rừng về phố; một góc phố Yên Phụ ngập trong hương sắc của đào rừng khiến nhiều người cứ ngỡ đang đi trong phiên chợ xuân ở Sa Pa.
- Tưng bừng văn nghệ mừng xuân
Một kịch bản lớn đã được xây dựng với sự phối hợp giữa Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam và Sở VH-TT Hà Nội tổ chức nhằm chào mừng những sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2006, gửi đi thông điệp “đón năm mới với niềm tin và sức sống mãnh liệt của một dân tộc luôn vượt qua mọi thách thức để đi đến hội nhập thành công”.
Với chủ đề “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập”, chương trình diễu hành có sự tham gia của nghệ nhân âm nhạc dân tộc, người mẫu, thiếu nhi Hà Nội và cả đại diện một số đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.
Tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, màn biểu diễn nghệ thuật sẽ bắt đầu lúc 21 giờ ngày 29 Tết với nhiều tiết mục đặc sắc như múa rồng phun lửa, múa rối nước, hợp xướng, biểu diễn thời trang “Huyền thoại Đông Hồ”, màn bắn pháo hoa đón giao thừa của các nghệ nhân tỉnh Hà Tây…
V.X.- A.T.