Đồng bằng sông Cửu Long

Đê biển sạt lở trầm trọng

Đê biển sạt lở trầm trọng

Đê biển ở ĐBSCL dài hàng trăm cây số, chạy dọc theo các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.…7 – 8 năm qua, các tỉnh này đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng tu bổ và xây mới, nhưng theo nhận định của ngành thủy lợi, hệ thống đê biển này hiện rất yếu.

  • Nỗi lo đê lở

Những ngày qua, hàng ngàn người dân ven biển Hiệp Thạnh (Duyên Hải, Trà Vinh) thấp thỏm lo âu vì nạn đê lở. Đợt triều cường cuối tháng 9 Âm lịch vừa qua đã làm sạt lở trên 100m đê biển tại đây. Hàng chục cây phi lao cao lớn chắn sóng đã bị sóng biển cuốn mất. Gần 1.000ha nuôi trồng thủy sản và rau màu bị thiệt hại và giảm năng suất, đê lở đe dọa cuộc sống hơn 1.500 hộ dân.

Đê biển sạt lở trầm trọng ảnh 1

Sạt lở dữ dội dọc theo biển Gò Công. Ảnh: C.T.V.

Ông Nguyễn Văn Phát, 75 tuổi, bần thần kể: “Từ trước đến nay, chưa bao giờ biển Hiệp Thạnh lại nổi cơn “thịnh nộ” dữ dội như thế. Chỉ vài ngày sóng to, biển đã “cướp” hơn 20m phần chân đê chắn sóng, chạy dài trên 100m. Nhiều diện tích thủy sản đứng trước nguy cơ mất!”. Ông Nguyễn Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, giải thích: Đây là vùng đất trũng, mặt đất thấp so với mực nước biển khoảng 1m. Những năm gần đây, vào tháng 10 và 11 âm lịch, khi gió chướng thổi mạnh, triều cường từ biển Đông dâng cao, sóng biển đánh mạnh làm sạt lở nghiêm trọng.

Năm 2004, xã, huyện xuất ngân sách hàng chục triệu đồng và vận động nhân dân đóng góp hàng trăm ngày công lao động để gia cố, chống sạt lở. Tuy nhiên, làm xong vẫn như muối bỏ biển! Năm nay, gió chướng mới về, đê lại lở là chuyện đương nhiên”.

Tại biển Gò Công Đông (Tiền Giang), tình hình sạt lở đê biển cũng làm nhiều hộ mất ngủ. Ông Nguyễn Văn Nết, canh tác 5ha rừng đước ở xã Kiểng Phước, than: “Mấy ngày nay, gió chướng đánh vào vạt rừng ven biển, lở dữ dội. Rừng của tôi ngày xưa xanh tốt thì nay vàng úa, xác xơ, lở cướp mất gần 1ha rồi!”.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, tuyến đê biển Gò Công Đông dài 21km được đầu tư xây dựng tốn kém. Mặt đường trải đá đỏ rộng 4m, nhưng nền bằng đất. Do đó, chỉ cần bão lớn từ cấp 7, cấp 8 trở lên thì tuyến đê không chống nổi. Gần đây, trên 3km đê bị sạt lở nghiêm trọng, bình quân ăn sâu vào đất liền từ 15m đến 20m/năm.

Tại Cà Mau, nhiều đoạn đê biển Tây bị sạt lở ngày càng nhiều, có đoạn phá vỡ chân đê hết sức nguy hiểm. Còn ở Bạc Liêu, tuyến đê biển Đông Hải nguy cơ lở chực chờ, đe dọa hàng ngàn hécta tôm sú và nhiều hộ sống ven biển.

  • Đâu là giải pháp khả thi?

Trước tình hình đê biển sạt lở nghiêm trọng, tỉnh Tiền Giang phải kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí gia cố. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, bình quân kè 100m tốn khoảng 800 triệu đồng. Do thiếu kinh phí nên đến nay chỉ kè được 1,9km. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, lo lắng: “Kè là giải pháp rất tốn kém nhưng chưa thể khẳng định có chịu nổi với triều cường và bão lớn không?

Tại Gò Công, mỗi năm đến mùa chướng, sóng từ biển đập vào dữ dội. Nếu gặp gió từ cấp 7 trở lên hoặc sóng thần… thì đê biển Gò Công nguy mất”. Trong khi đó, Trà Vinh giải quyết tình thế lở đê bằng cách gia cố bao cát, đắp đất… cách làm này xem ra hiệu quả không cao, trong khi kinh phí bỏ ra không nhỏ.

Ông Đào Văn Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải, bức xúc: “Tuyến đê phòng hộ ven biển Hiệp Thạnh đóng vai trò cực kỳ quan trọng, vừa bảo vệ sản xuất, tính mạng người dân và cả môi trường sinh thái. Thế nhưng, tuyến đê này mặt chỉ có 6m, cao 3m và làm bằng đất nên không đủ sức chống chọi với triều cường. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị cấp trên nâng cấp kiên cố hơn, nhưng đến nay việc này vẫn bỏ ngỏ”.

Tại Bạc Liêu, dự án xây dựng đê biển giai đoạn 2001 – 2005, lên đến gần 200 tỷ đồng nhưng nhiều người lo ngại rằng không ăn thua gì khi gặp bão lớn và gió cấp 8.

Có thể nói, hệ thống đê biển ở ĐBSCL hiện nay rất yếu và bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều nơi xây dựng nửa vời, tốn kém tiền tỷ nhưng chất lượng không cao. Chưa kể hàng loạt vụ xâm hại, phá đê mỗi năm không ai ngăn chặn. Giải pháp bảo vệ đê biển ĐBSCL, vừa ngăn gió bão, vừa chống sạt lở đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, đề xuất: “Cách giữ đê biển tốt nhất là trồng rừng phòng hộ. Một khi có được hệ thống rừng dày đặc đảm nhận vai trò chắn sóng biển bên ngoài thì tuyến đê sẽ đứng vững”.

Tuy nhiên, việc trồng rừng hiện nay thiếu sự quan tâm, thậm chí nhiều nơi như Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang… người ta quay sang chặt phá rừng phòng hộ để mở rộng diện tích nuôi tôm. “Mất rừng – biển lở” là quy luật không thể tránh khỏi! Hiện tại, Tiền Giang đang tiếp tục bỏ ra 2,5 tỷ đồng thực hiện giải pháp công trình kè mỏ hàn chống lở ở đê biển Gò Công Đông. Kinh phí lớn, nhưng chưa ai đoan chắc có hiệu quả không? 

HUỲNH LỢI – ĐÌNH CẢNH

Tin cùng chuyên mục