Dễ cấp phép, buông hậu kiểm

Bằng nhiều cách thức khác nhau, từ 1998-2009 đã có 304 trường ĐH-CĐ được thành lập; trong đó có 230 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn, 58 trường ĐH-CĐ được thành lập mới hoàn toàn. Kết quả: đến nay đã có 62/63 tỉnh thành có ít nhất 1 trường ĐH hoặc CĐ có tỷ lệ 200 sinh viên/10.000 dân. Một tốc độ gia tăng có thể nói là chóng mặt. Dĩ nhiên với một nền kinh tế tăng trưởng mạnh, năng động như nước ta, việc gia tăng quy mô giáo dục đại học (GDĐH) để đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển là điều tất nhiên. Vấn đề đặt ra là việc phát triển ấy có vượt xa năng lực thực tế và việc kiểm tra, giám sát, quản lý nó như thế nào?

Không phải đến phiên họp QH hôm qua, vấn đề thành lập trường ĐH ồ ạt, có phần dễ dãi mới được các ĐBQH mổ xẻ. Điều nhức nhối này đã được công luận và xã hội lên tiếng suốt một thời gian dài vì thực tế có nhiều trường ĐH dạng “3 không” tồn tại, bất chấp các điều kiện tối thiểu. Và hệ lụy là cho ra lò sản phẩm đào tạo kém chất lượng, không đáp ứng yêu cầu xã hội.

Sự ra đời hàng loạt trường ĐH với nhiều mã ngành được phép tuyển sinh chỉ trên hồ sơ, không cần qua thẩm định thực tế khiến người học lâm vào cảnh đi cũng dở, ở không xong. Không ít trường mới được thành lập đã tuyển sinh với quy mô lớn, vượt quá năng lực đào tạo mà điển hình là ĐH Phan Thiết. Quy mô và cơ cấu ngành nghề đào tạo của hầu hết các trường ĐH-CĐ mới thành lập đều do các trường tự đề xuất theo ý muốn chủ quan của mình, chưa căn cứ vào nhu cầu thực tế cũng như thực lực của họ. Nhiều ĐBQH cũng như dư luận phải đặt câu hỏi: có hay không việc chạy chọt để thành lập trường, vì với cung cách “kinh doanh giáo dục” hiện nay không ít nhà đầu tư coi đó là mỏ vàng, dễ kiếm lợi nhuận.

Điều này có thực tế minh chứng cụ thể: Dù chỉ tiêu tuyển sinh được giao đã khá rộng rãi, nhiều trường vẫn tuyển sinh vượt chỉ tiêu rất cao (riêng năm 2009 có 32 trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu, điển hình là Trường CĐ Cần Thơ vượt 88,64%, Trường ĐH Phan Thiết vượt 91,73%). Có trường tự tuyển thêm hàng trăm sinh viên vào những ngành bộ chưa cho phép mở. Thêm một điều lạ: Cho đến nay, với những sai phạm này, Bộ GD-ĐT chưa xử lý trường hợp nào. Vì sao? Quyết định chính thức thành lập trường đồng thời được hiểu là quyết định cho phép hoạt động giáo dục. Do đó, nhiều trường vừa mới thành lập, chưa có gì trong tay, nhưng đã được tuyển sinh và tổ chức đào tạo nhưng không được xử lý nghiêm khắc?! Đến nay vẫn còn 14 trường (trong đó có 11 trường thành lập từ năm 1998) mặc dù đã đi vào hoạt động nhưng không có khuôn viên riêng, vẫn phải đi thuê mặt bằng.

Chỉ sau khi những vấn đề này được phơi bày một cách đầy đủ, ngành GD-ĐT mới bắt tay vào việc “sửa sai”. Chỉ trong vòng 1 tháng (từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5), bộ đã liên tiếp đưa ra các lệnh dừng: tạm dừng mở ngành đào tạo ĐH, TCCN; tạm dừng đào tạo tiến sĩ ở 101 chuyên ngành, chờ có quy trình mới. Bộ cũng đang bước đầu thực hiện quy trình thành lập trường ĐH-CĐ theo 2 bước, nói dễ hiểu là cấp phép có kiểm tra, có hậu kiểm.

Dư luận rất bức xúc về nạn mở trường dễ hơn lập công ty, xem nhẹ sự nghiệp trồng người. Nhưng muộn còn hơn không, không để hậu họa kéo dài trong cho nhiều thế hệ sinh viên. Nói rộng ra, việc cấp phép và hậu kiểm không chỉ ý nghĩa trong lĩnh vực thành lập trường mà trên nhiều lĩnh vực khác cũng đang phát tác hậu quả xấu, gây bức xúc trong xã hội.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục