
Làm gì để nâng cao chất lượng bài vọng cổ, để vọng cổ có sức sống bền vững? Đó là nội dung chính của buổi tọa đàm đầu tiên trên đất đồng bằng về loại hình vọng cổ do Đài Phát thanh – Truyền hình và Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức.
Đường dù xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang” - đã gần trăm năm rồi mà sức sống của bản Dạ cổ hoài lang vẫn đầy tràn, mãnh liệt. Làm rung động, đọng lại lòng người mộ điệu không chỉ là những bài về đề tài tình yêu (Tình anh bán chiếu của Viễn Châu, Lời người hát rong của Ngô Hồng Khanh…) mà cả ở những thể tài “chính luận” như Anh là ai? Tôi là Việt Nam, Đài hoa dâng Bác (Trần Nam Dân), Ơn Đảng (Trọng Nguyễn)…

Ca minh họa trong buổi tọa đàm về vọng cổ.
Khắp từ nông thôn cho đến thành thị, trên những chiếc ghe lênh đênh bồng bềnh sóng nước, dưới bóng mát của mảnh vườn hay trong cả những thính phòng sang trọng người ta đều có thể dễ dàng được thưởng thức vọng cổ... Tuyển tập “Những bài ca vọng cổ được yêu thích” của Nhà xuất bản Trẻ phải tái bản (2003) phần nào cho thấy loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc trưng, chỉ có ở mảnh đất phương Nam tận cùng Tổ quốc vẫn bám rễ, quấn quýt trong tâm thức, đời sống thường nhật của cư dân đồng bằng Nam bộ. Tuy nhiên thời gian gần đây không ít công chúng, ngay tại đồng bằng, tỏ ra thờ ơ với vọng cổ.
Các đại biểu đều nhất trí tính tự sự, tính khái quát hình tượng trong ngôn từ, cấu trúc … của bài vọng cổ hoàn toàn khác với vọng cổ trong vở cải lương bởi bài vọng cổ mang tính độc lập. Đó cũng là cái khó khi sáng tác một bài vọng cổ. Soạn giả Ngô Hồng Khanh cho rằng có nhiều yếu tố để tạo thành một bài vọng cổ hay nhưng trước hết, công việc đầu tiên, trách nhiệm đầu tiên chính là soạn giả, người sáng tác ra bài vọng cổ.
Theo ông vọng cổ là một loại ca khúc dễ viết, ai biết ca vọng cổ sáu câu đúng nhịp cùng với trình độ văn hóa “biết đọc biết viết” là có thể làm “soạn giả” được rồi! Nhưng cũng vì dễ viết mà khó hay. Tính văn học trong ngôn ngữ thể hiện của bài vọng cổ phải được chắt lọc, hình tượng xây dựng phải biểu cảm, giàu chất thơ chất nhạc. Văn học trong vọng cổ không phải để đọc mà là “văn học nghe”, diễn cho người ta xem, ca cho người ta thấy.
Các đại biểu Nhâm Hùng (Cần Thơ), Châu Bích Thủy (An Giang), Dương Thị Thùy Vân (Bến Tre), Kha Tuấn (Long An)… đều tâm đắc “văn chương” chính là phần lời, yếu tố quyết định sống còn cho tác phẩm. Do vậy mỗi tác giả ca cổ trước hết phải là người có năng lực sáng tác văn học, phải là người viết văn làm thơ. Bản lĩnh văn học, vốn từ, vốn sống xã hội là điều kiện phải có, muốn vậy tác giả cần khai thác tốt kho tàng văn học dân gian; khả năng tư duy hình tượng; kỹ thuật sử dụng biện pháp tu từ sao cho tinh tế, hàm súc, chính xác nhưng phù hợp với tâm trạng, chủ đề, bối cảnh thời đại…

NSND Út Trà Ôn, Đệ nhất danh ca vọng cổ. Ảnh: T.L.
Cấu trúc âm nhạc trong bài ca cổ từ nhịp đôi ban đầu, phát triển thành nhịp tư, nhịp tám…rồi đến nhịp ba mươi hai; số câu cũng được rút từ 20 xuống còn 4 (1, 2, 5, 6) là sự sáng tạo không ngừng của người dân Nam bộ: dù đã đóng khung trong một điệu thức, quy tắc nhưng phần nhạc dù chỉ có năm âm chủ (hò, xừ, xang, xê, cống) nhưng thang âm điệu thức vẫn vô cùng phóng khoáng, giúp người nghệ sĩ tung hứng, biến hóa khi thể hiện, góp phần phát triển mạnh mẽ loại hình sân khấu cải lương sau này.
Có nên cắt bớt câu 2 để vọng cổ chỉ còn ba câu (1, 5, 6) cho phù hợp với tốc độ cuộc sống công nghiệp hôm nay? Đây là một vấn đề cần được bàn luận kỹ, ở phạm vi mức độ lớn hơn nhưng tác giả Nguyễn Minh Tuấn-Giám đốc Sở VHTT tỉnh Long An - cho rằng: “Bài vọng cổ bốn câu như hiện nay là phù hợp…
Cái quan trọng là tác giả phải xác định tính chất và nội dung bài vọng cổ mình viết: anh hùng ca, bi, hài hoặc tình ca để cấu trúc sao cho phù hợp…”. Ông dẫn chứng Tôn Tẫn giả điên 20 câu, Sầu vương biên ải 20 câu do đệ nhất danh ca Út Trà Ôn ca đi hát lại nhiều lần mà vẫn xoáy động lòng người, mà vẫn không cảm thấy nhàm chán.
Ông Hồ Hoàng, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ - nhận định buổi tọa đàm đã đề cập đến nhiều vấn đề thuộc “lý luận, học thuật”, thật quý và mong rằng sẽ có những cuộc hội thảo chuyên sâu để loại hình nghệ thuật truyền thống này sống mãi trong lòng công chúng.
VŨ THỐNG NHẤT