
Báo SGGP ra ngày 8 và 9-5-2009 đã đăng loạt bài phản ánh tình trạng xuống cấp của các tuyến đê biển, đê sông trên địa bàn miền Trung. Vừa qua, lãnh đạo các tỉnh miền Trung đã yêu cầu các sở, ban- ngành rà soát các tuyến đê biển, đê sông trên địa bàn để có hướng khắc phục. Tuy nhiên, tiến độ nhìn chung rất... “rùa”.
Đê biển - vẫn ì ạch
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: Sau khi Báo SGGP có bài phản ánh, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra công văn yêu cầu Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ – chủ đầu tư dự án kè biển Tam Thanh kiểm tra thông tin báo nêu, đối chiếu với dự án phê duyệt để tiếp tục đầu tư làm hoàn chỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Tam Kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình, xem những điểm sạt lở tại kè Tam Thanh có phải là do chất lượng công trình hay không. Nếu có vấn đề về chất lượng công trình dẫn đến kè biển Tam Thanh bị sạt lở thì buộc đơn vị thi công phải khắc phục.

Tuyến kè biển Liên Chiểu vẫn chưa thi công xong phần đóng cọc.
Tuy nhiên, ông Quang cũng cho rằng, trong dự án xây dựng kè biển Tam Thanh, do khó khăn về vốn nên hàng năm UBND tỉnh Quảng Nam “rót” về vài tỷ đồng cho UBND TP Tam Kỳ làm từng đoạn một, mỗi năm làm một ít theo kiểu cuốn chiếu. Đến nay, dự án này vẫn chưa hoàn chỉnh vì gặp khó khăn về vốn.
Trong khi đó, tại kè biển Liên Chiểu (Đà Nẵng), Bộ NN-PTNT đã cấp 15 tỷ đồng để thực hiện dự án nhưng đến nay khối lượng công trình mới chỉ đạt tương ứng 6 tỷ đồng. Ông Lê Duy Vọng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý nước TP Đà Nẵng, cho biết: Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã có công văn yêu cầu Công ty Công trình đô thị Đà Nẵng và Công ty TNHH An Phú đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2009. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, chủ đầu tư dự án, cũng thường xuyên đốc thúc nhưng các đơn vị thi công vẫn ì ạch.
Ông Vọng thừa nhận, với tiến độ thi công như hiện nay, việc thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2009 rất khó đạt được. Đến nay, việc thi công đóng cọc vẫn chưa xong.
Tăng tốc gia cố đê sông
Theo Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều tỉnh Bình Định, với thực trạng đê Đông của sông Hà Thanh như hiện nay, cần kinh phí nâng cấp hơn 600 tỷ đồng, tuyến đê này mới thực sự an toàn. Từ năm 2006, chi cục đã có văn bản gởi Bộ NN-PTNT đề nghị đưa hệ thống đê Khu Đông Bình Định vào chương trình nâng cấp đê biển quốc gia để được Chính phủ đầu tư kinh phí nâng cấp hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, ông Đàm Văn Lợi, Chi cục phó Chi cục PCLB-QLĐĐ tỉnh Bình Định, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, những đề nghị của chi cục vẫn chưa được hồi âm nên trong năm 2009 sẽ tiếp tục có văn bản gởi lên cấp trên để xin kinh phí kiên cố hóa đê Đông. Do nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp nên trước mắt phải tu sửa, chắp vá tạm thời để đối phó với mưa lũ hàng năm.
Hiện Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Bình Định đã bố trí được 4 tỷ đồng cho việc nâng cấp đê năm 2009. Bên cạnh đó, từ chương trình khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2008, đê Đông được đầu tư 1,5 tỷ đồng để khắc phục các đoạn đê bị vỡ, sạt lở. Với số vốn 5,5 tỷ đồng hiện có, chi cục đã lập kế hoạch sửa chữa hơn 500m đê Đông trên địa bàn phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), tràn Cao Don 2 thuộc xã Phước Thuận, cống Ông Lập giáp ranh giữa xã Phước Thuận và Phước Sơn (Tuy Phước), cùng một số công trình xung yếu khác trên toàn tuyến đê. Hiện các hạng mục sửa chữa đang được triển khai thi công và chi cục đã yêu cầu các đơn vị thi công cam kết đến 30-8-2009 các hạng mục phải đảm bảo vượt lũ an toàn.
Tại Phú Yên, kè Đà Rằng ở phần hạ lưu sông Đà Rằng đoạn chạy qua TP Tuy Hòa cơ bản đã hoàn thành. Ông Dương Văn Hưởng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Phú Yên, cho biết: Trước mùa mưa lũ năm 2009, tỉnh Phú Yên cũng sẽ hoàn thành 5 công trình kè Long Uyên, Nam Bình, Bến Sách, Tân Long và Cẩm Thạch dọc theo hạ lưu các sông Cái, Kỳ Lộ, Bàn Thạch và sông Ba với tổng chiều dài 3.341m.
Với việc hoàn thành 5 công trình kè này, mùa mưa bão các năm tới sẽ giảm đi rất nhiều thiệt hại do bão lũ gây ra. Đặc biệt là việc hoàn thành kè Long Uyên (huyện Tuy An) trên sông Cái sẽ bảo đảm được tính mạng và đất đai cho hàng ngàn hộ dân trong khu vực lân cận. Theo ông Hưởng, hiện các địa phương trong tỉnh Phú Yên đang tăng tốc gia cố những tuyến đê, kè do địa phương quản lý để đảm bảo an toàn trước mùa mưa, bão năm nay.
NG.KHÔI – H.TRỌNG