Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, đã cảnh báo sâu sắc về vấn đề này.
Theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, từ năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19, người lao động (NLĐ) rất khó khăn. Các khoản chi tiêu của NLĐ nhiều hơn nhưng nguồn thu nhập thì không thay đổi. NLĐ không có nhiều tiền, dẫn tới họ phải đi vay, mà vay ngân hàng thì khó vì không có tài sản thế chấp, vay ở các tổ chức tài chính vi mô cũng khó nếu không có đủ điều kiện, nên nhiều người đành bất chấp mọi hậu quả để vay “tín dụng đen”.
“Tín dụng đen” hiện là vấn nạn ở nhiều doanh nghiệp, thậm chí cán bộ công đoàn, quản lý doanh nghiệp cho đến chủ doanh nghiệp cũng bị “khủng bố” bởi nhóm đi đòi nợ. Công nhân không trả tiền được nên người thân, quản lý doanh nghiệp, cán bộ công đoàn bị “khủng bố”, đến mức đổi sim, đổi số điện thoại vẫn bị truy ra. Vấn đề này đang nhức nhối đối với NLĐ, đòi hỏi phải có giải pháp giải quyết, nếu không sẽ gây hậu quả rất xấu.
Hiện nay, hoạt động của các nhóm cho vay “tín dụng đen” rất khó quản lý. Trong lúc đời sống khó khăn, công nhân và những người có thu nhập thấp luôn là đối tượng chính rơi vào vòng xoáy “tín dụng đen”. Thực trạng cho thấy, Quốc hội cần thiết có giám sát cũng như yêu cầu Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ để giải quyết vấn nạn “tín dụng đen”. Ngành công an cần đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, siết lại các hoạt động của các công ty chuyên cho vay nặng lãi, chuyên mua bán nợ, đòi nợ thuê; cần chỉ rõ sai phạm và xử lý nghiêm đối với các tổ chức cho vay nặng lãi. Ngân hàng Nhà nước cần thúc đẩy các nguồn tín dụng dành cho người thu nhập thấp để hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn khó khăn.