Để hàng bình ổn giá đến với người có thu nhập thấp

Để hàng bình ổn giá đến với người có thu nhập thấp

Trước tình hình giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng, nhất là thực phẩm, nông sản tăng “hỗn”, nhiều người tiêu dùng đã chọn nơi bán hàng bình ổn giá để mua hàng, giảm bớt gánh nặng tài chính, chống chọi với cơn bão giá trên thị trường vào dịp cuối năm.

Chọn mua hàng bình ổn giá tại siêu thị Co.opMart Hùng Vương. Ảnh: K.H.

Chọn mua hàng bình ổn giá tại siêu thị Co.opMart Hùng Vương. Ảnh: K.H.

Bà Nguyễn Thái Ân ở đường Hùng Vương cho biết: “Từ ngày có chương trình bình ổn giá của TP, áp dụng cho nhiều mặt hàng gia đình tôi đã chuyển thói quen đi chợ sang đi siêu thị, săn hàng rau củ quả, nông sản giá rẻ. Giá các mặt hàng thực phẩm, nông sản, dầu ăn, đường ở các siêu thị giảm hơn thị trường bên ngoài đến 10%.

Như thế nếu mua hàng cho vài ngày ăn trong tuần trị giá khoảng 500.000 đồng là tôi đã tiết kiệm được 50.000 đồng. Một số tiền không nhỏ”. Tương tự, chị Bạch Tuyết ở đường Thành Thái, quận 10, cũng bộc bạch: “Trước đây, vì ngại đi siêu thị Big C gần nhà phải chờ đợi gởi xe, xếp hàng trả tiền, tôi cũng hay đi chợ hoặc mua gạo, đường, mắm muối… ở đại lý gần nhà. Mới đây, nghe quảng cáo về chương trình bình ổn giá  do TP tài trợ thấp hơn ở bên ngoài, tôi đã chọn đi siêu thị mua hàng. So sánh nhiều mặt hàng được bình ổn giá như thực phẩm, đường, dầu ăn, rau củ quả… tôi giật mình vì thấy giá cả ở siêu thị rẻ hơn, cân đúng, đủ và an toàn hơn…”.

Không phải ngẫu nhiên mà các bà nội trợ, nhất là những người lớn tuổi, đã thay đổi thói quen  đi chợ bằng đi siêu thị và cảm thấy hài lòng khi mua được hàng hóa rẻ, an toàn hơn bên ngoài. Chính thói quen đi chợ truyền thống đã khiến nhiều bà nội trợ “lên máu” vì giá cả bị người bán hét vô tội vạ, lại thêm cân đong thường không đủ số lượng. Đó là chưa kể tình trạng mua phải hàng hóa không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo về an toàn thực phẩm thường xảy ra, đành “ngậm bồ hòn”.

Thực tế cho thấy, giá cả leo thang và tăng “hỗn” một phần là do thói quen mua hàng ở thị trường tự do, chợ truyền thống của người dân. Để tự do làm giá, người bán thường không niêm yết giá bán như quy định. Còn người mua, nhiều khi không theo dõi giá cả chung nên bị hét giá nào thì mua giá đó. Chính vì thế, thay đổi thói quen thời @ và để chống chọi với tình hình giá cả tăng “hỗn” vào dịp cuối năm, người tiêu dùng thông minh nên chọn lựa giải pháp tối ưu: mua hàng ở những điểm bán hàng bình ổn giá của TP. Đọc bài “Hàng hóa phục vụ Tết Tân Mão - Đúng giá cam kết” của Báo SGGP, người dân cảm thấy bớt lo âu khi tết cổ truyền đang đến gần.

Việc lãnh đạo TPHCM và các doanh nghiệp cùng chung tay chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết cho người dân với giá cả cam kết không tăng là một việc làm mang ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, người dân cũng đề nghị TP, Sở Công thương nên tăng cường thêm nhiều điểm bán hàng bình ổn giá, nhất là ở khu vực có đông công nhân lao động, học sinh- sinh viên trọ, khu dân cư nghèo nhằm tạo điều kiện cho họ mua được hàng giá rẻ, ổn định cuộc sống, giảm áp lực thu nhập thấp - giá tăng. Có như thế chương trình bình ổn giá, hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp mới mang đầy đủ ý nghĩa.

Dũng Hiền (TPHCM)

Tin cùng chuyên mục