Lưu ý tên gọi, ngành nghề
Hệ thống pháp luật của nước ta trong lĩnh vực này đã tương đối hoàn chỉnh, cụ thể như Luật doanh nghiệp 2014, Luật thuế, Luật cạnh tranh 2004, Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010,… Do đó, khi tham gia vào lĩnh vực này chủ thể khởi nghiệp cần nắm rõ các quy định pháp luật có liên quan để tránh rủi ro.
Trong giai đoạn trước khởi nghiệp, cần lưu ý một số vấn đề như lựa chọn loại hình doanh nghiệp, do mỗi loại hình sẽ có đặc điểm và ưu, nhược điểm riêng; tên doanh nghiệp, chủ thể khởi nghiệp phải đảm bảo tên doanh nghiệp mình không trùng, gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác hoặc cơ quan, tổ chức nhà nước (người khởi nghiệp có thể truy cập vào Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia để tra cứu nội dung này); ngành, nghề kinh doanh không thuộc ngành, nghề bị cấm theo quy định của pháp luật; đảm bảo địa chỉ đặt trụ sở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp bằng hợp đồng thuê, cho mượn hoặc là tài sản của doanh nghiệp; cần xác định cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, nhất là việc xác định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Một gian hàng dành cho các thanh niên khởi nghiệp tại TPHCM. Ảnh: PHƯƠNG PHƯƠNG
Trong giai đoạn sau khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành về công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp; khắc dấu và thông báo mẫu dấu đến cơ quan đăng ký doanh nghiệp (Nội dung thông báo bao gồm tên, mã số, địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp; số lượng con dấu, mẫu con dấu, thời điểm có hiệu lực của mẫu con dấu); các thủ tục về thuế ban đầu.
Cụ thể về thủ tục thuế, doanh nghiệp cần đảm bảo các thủ tục sau: lập và nộp các tờ khai thuế môn bài, đăng ký trích khấu hao tài sản cố định, hình thức kế toán, đăng ký hình thức nộp thuế VAT (Giá trị gia tăng) tại Chi cục thuế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính theo pháp luật về thuế; đăng ký mua chữ ký số công cộng và đăng ký nộp thuế điện tử; mở tài khoản ngân hàng tại một ngân hàng được phép và đăng ký trích nộp thuế điện tử qua tài khoản ngân hàng này.
Lường trước các tranh chấp
Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp gọi vốn đầu tư từ nước ngoài cần lưu ý một số vấn đề. Thứ nhất, về tỷ lệ vốn góp, bởi nhiều lĩnh vực kinh doanh bị cấm hoặc bị hạn chế tỷ lệ góp vốn, điển hình như dịch vụ cung cấp viễn thông bị giới hạn tỷ lệ vốn góp nhằm mục đích bảo vệ an ninh kinh tế và sự phát triển của một số loại hình dịch vụ còn khá mới ở Việt Nam.
Thứ hai, nhà đầu tư phải có một tài khoản ngân hàng thương mại ở Việt Nam và mọi giao dịch liên quan đến hoạt động mua bán cổ phần, vốn góp; chuyển nhượng vốn; thu và sử dụng cổ tức đều thông qua tài khoản này.
Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh doanh, nhà đầu tư cần chuẩn bị những giấy tờ như bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương do cơ quan quản lý có thẩm quyền tại nước mà tổ chức đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh cấp (đã được chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự).
Bên cạnh đó, để doanh nghiệp được vận hành ổn định và không có tranh chấp xảy ra trong quá trình hoạt động, thì giữa các sáng lập viên về góp vốn cần thỏa thuận việc sử dụng vốn, quyền sở hữu tài sản, phân chia lợi ích, các thẩm quyền của ban điều hành doanh nghiệp…
Thêm nữa, cần xây dựng pháp lý nội bộ, pháp lý với người lao động và pháp lý với đối tác. Chẳng hạn như nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, hợp đồng kinh doanh thương mại.
Hiện nay có rất nhiều tranh chấp giữa các doanh nghiệp, trong đó tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp chiếm một phần không nhỏ. Tranh chấp trong các trường hợp này rất đa dạng như tranh chấp về nhãn hiệu, tranh chấp lao động, tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp tác đầu tư…
Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp này phần lớn do các doanh nghiệp chưa nắm rõ những quy định của luật. Vì vậy, doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy định và ứng dụng pháp luật vào hoạt động kinh doanh của mình để doanh nghiệp phát triển bền vững, tránh những rủi ro pháp lý về sau.