Đề nghị có luật riêng quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca

“Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca” ngoài việc là tài sản trí tuệ, còn có ý nghĩa là biểu tượng thiêng liêng của quốc gia, dân tộc, vì vậy nếu chỉ điều chỉnh trong Luật Sở hữu trí tuệ sẽ không bảo đảm tính bao quát, toàn diện và đầy đủ. Trên quan điểm này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị xem xét ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng điều chỉnh về nội dung này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (dự thảo Luật) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chiều 15-2.

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo có đề nghị bổ sung Điều 24a về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào Luật Sở hữu trí tuệ.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc pháp luật quy định chặt chẽ về việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là cần thiết, nhằm bảo đảm sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, bảo đảm quyền lợi của người dân được thụ hưởng Quốc ca Việt Nam. Tuy nhiên, về phương án bổ sung mà cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy cơ quan chủ trì soạn thảo chưa cung cấp đầy đủ luận cứ, thông tin để có cơ sở xem xét, quyết định.

Cụ thể, cần tiếp tục nghiên cứu thêm trường hợp Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm, trong đó có Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. “Nếu quy định nguyên tắc cứng là mọi trường hợp Nhà nước đều là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca thì một mặt sẽ trùng lặp với một số trường hợp đã quy định tại Điều 42 của Luật Sở hữu trí tuệ, mặt khác sẽ không phù hợp nếu sau này chúng ta có sự lựa chọn khác, mà tác giả của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước, chưa chuyển giao quyền tác giả cho Nhà nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận định.

Về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đã quy định việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca với tư cách là tài sản trí tuệ cũng phải tuân thủ nguyên tắc này, như vậy đã bao trùm lên các quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 24a dự kiến bổ sung vào dự thảo Luật.

Thêm vào đó, Luật Sở hữu trí tuệ là đạo luật điều chỉnh về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với tính chất là một loại tài sản dân sự (tài sản trí tuệ).

“Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca” ngoài việc là tài sản trí tuệ, còn có ý nghĩa là biểu tượng thiêng liêng của quốc gia, dân tộc, vì vậy nếu chỉ điều chỉnh trong luật này sẽ không bảo đảm tính bao quát, toàn diện và đầy đủ đối với việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Kinh nghiệm quốc tế một số nước cho thấy chủ yếu là có luật riêng quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu để xây dựng phương án hoàn thiện pháp luật đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca thực sự chặt chẽ, khả thi hơn và xem xét ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng điều chỉnh về nội dung này.

Điều hành phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng tình với quan điểm này.

Tin cùng chuyên mục