Đề nghị giảm tiếp thuế giá trị gia tăng sau ngày 31-12-2023 nếu tình hình vẫn khó khăn

Chiều 28-5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp".
Các nhà quản lý, chuyên gia tham dự tọa đàm
Các nhà quản lý, chuyên gia tham dự tọa đàm

Góp ý về giải pháp cho thời gian tới, GS-TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, chúng ta đang có dư địa khá tốt để thực hiện chính sách tài khóa. Vừa qua, Chính phủ đã tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ, như quyết định ngay việc giãn, hoãn các khoản đóng góp, tiền thuế, đề xuất Quốc hội giảm tiếp thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%. Tuy nhiên, theo ông Cường, Chính phủ nên báo cáo Quốc hội đến ngày 31-12-2023, nếu tình hình vẫn khó khăn thì đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài tiếp thời gian giảm VAT để khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì triển khai được ngay, không phải đợi đến kỳ họp sau mới xem xét.

GS-TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân
GS-TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân

Các ý kiến tại tọa đàm cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải tháo gỡ được những nút thắt về thể chế để khơi thông nguồn lực. Đặc biệt phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu để tháo gỡ được những khó khăn, ách tắc hiện nay, trong đó có vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, giải ngân vốn cho chương trình phục hồi kinh tế.

Đáng chú ý, theo GS-TS Hoàng Văn Cường, doanh nghiệp không có vốn thì không thể sản xuất kinh doanh. Chúng ta không thể chờ kinh tế thế giới phục hồi mới đi vào đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Do đó phải chuẩn bị nguồn lực cho doanh nghiệp ngay từ bây giờ, mà nguồn vốn cho doanh nghiệp thì từ 2 nguồn chính: trái phiếu doanh nghiệp và vay ngân hàng.

“Khi lạm phát được kiểm soát ở mức cho phép thì cần tính tới nới lỏng dần chính sách tiền tệ, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp, dần chuyển hướng sang tập trung cho tăng trưởng. Nếu năm trước đặt vấn đề duy trì ổn định vĩ mô thì bây giờ phải là đặt mục tiêu tăng trưởng”, GS-TS Hoàng Văn Cường nêu.

Đương nhiên, phải kiểm soát tốt dòng tiền, vì nếu để dòng tiền không chảy vào đúng chỗ đang cần sản xuất kinh doanh tạo ra của cải đưa ra thị trường, thanh khoản ngay, mà rơi vào khu vực đang đóng băng, đang thiếu tiền, nợ đọng thì gần như là ném tiền vào hố đen, đem muối bỏ biển, làm hao hụt nguồn lực tài chính

TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) đánh giá, Việt Nam mới chỉ dừng ở cải thiện môi trường kinh doanh, chưa có đột phá cơ bản, trong khi bước vào giai đoạn mới tăng trưởng, đòi hỏi đột phá mới về tư duy cũng như ý thức xây dựng quốc gia hiện đại trong 2-3 thập kỷ tới. Theo ông, phải nhanh chóng vượt qua giai đoạn giảm phiền hà, và từ chỗ giảm phiền hà chuyển thành đội quân tinh nhuệ yểm trợ cho các doanh nghiệp tiến lên. Phòng thương mại và công nghiệp của Singapore rất mạnh, tập trung các nhân lực giỏi để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Việt Nam cũng cần làm như thế. Bộ KH-ĐT, Tài chính phải gửi đội quân tinh nhuệ đến từng địa phương để họ biết ách tắc gì để giúp tháo gỡ.

"Không phải là ngồi đợi đại bàng đến, mà cần chủ động đón họ đến bằng các giải pháp thông thoáng”, TS Vũ Minh Khương nói. Ông cũng cho rằng, phải bỏ tư duy nhân lực giá rẻ để kêu gọi đầu tư, thay vào đó phải là nhân lực cao.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, để thúc đẩy hỗ trợ cho nền kinh tế, chúng ta phải giải quyết bằng chính sách tài khóa mở rộng. Đó là giãn hoãn thuế, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, và cần có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Tăng cường giải ngân đầu tư công, đầu tư vào hạ tầng, hệ thống đường cao tốc và các hạ tầng khác…

Tin cùng chuyên mục