Đề nghị tử hình nguyên Tổng Giám đốc OceanBank - Nguyễn Xuân Sơn

Sáng 14-9, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank) cùng các đồng phạm trong “đại án” kinh tế xảy ra tại ngân hàng OceanBank, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với 51 bị cáo.

Tại phiên xét xử "đại án" OceanBank
Tại phiên xét xử "đại án" OceanBank

Trong bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX xem xét tuyên phạt mức án chung thân đối với bị cáo Hà Văn Thắm cho cả 4 tội danh là cố ý làm trái, chiếm đoạt tài sản, tham ô và vi phạm quy định về cho vay.

Đáng chú ý, đối với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) bị đề nghị mức án từ 16-18 năm tù đối với tội cố ý làm trái, chung thân với hành vi chiếm đoạt tài sản và tử hình về tội tham ô. Tổng hình phạt mà bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị đề nghị là tử hình.

Đối với bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank) bị đề nghị hình phạt từ 24-27 năm tù. Bị cáo Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó Tổng giám đốc OceanBank) từ 11-12 năm tù. Bị cáo Phạm Hoàng Giang (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BSC Việt Nam) từ 8-9 năm.

Đề nghị tử hình nguyên Tổng Giám đốc OceanBank - Nguyễn Xuân Sơn ảnh 1 Đại diện Viện Kiểm sát đọc bản luận tội đề nghị mức án đối với các bị cáo trong "đại án" ở OceanBank 
Trong khi đó, nhóm các bị cáo vi phạm các quy định về cho vay có Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn, Trần Văn Bình cũng bị đề nghị mức án rất nghiêm khắc. Trong đó, bị cáo Danh từ 16-17 năm tù, bị cáo Phấn từ 17-18 năm tù và Bình từ 5-6 năm tù. Tuy nhiên, trước đó, bị cáo Danh đang phải chịu bản án do Tòa án TPHCM tuyên nên tổng hình phạt của bị cáo Danh là 30 năm tù, còn bị cáo Bình từ 9-10 năm tù.
Các bị cáo khác nguyên là giám đốc, trưởng chi nhánh, phòng giao dịch của OceanBank bị đề nghị mức án từ 18-36 tháng tù treo và mức án từ 36 tháng tù tới 7 năm tù. Đối với bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) do mắc bệnh hiểm nghèo và đang phải điều trị trong bệnh viện nên được không xem xét trách nhiệm hình sự.
Trong bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát cũng chỉ rõ đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Trong quá trình hoạt động, tại OceanBank đã để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật trong việc huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, tham ô, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tiền... gây thiệt hại nghiêm tọng đối với OceanBank và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Tính đến thời điểm 31-3-2014 nợ của OceanBank là gần 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lỗ hơn 10.000 tỷ đồng. Để xảy ra hậu quả, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, OceanBank và các cổ đông là do các hành vi vi phạm của Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn cùng Ban Giám đốc OceanBank trong các thời kỳ, lãnh đạo các khối nghiệp vụ ở hội sở, các chi nhánh, phòng giao dịch của OceanBank tại nhiều địa phương.

Bản luận tội cũng khẳng định việc Viện Kiểm sát truy tố Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và các đồng phạm về các tội danh nói trên là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đối với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, là cán bộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam -  PVN, trong quá trình được cử sang OceanBank làm tổng giám đốc và cả sau khi về lại PVN, bị cáo có trách nhiệm quản lý phần vốn góp của PVN tại OceanBank. Nhưng xuất phát từ động cơ vụ lợi cá nhân, bị cáo Sơn đã lợi dụng vị thế của PVN với tư cách là cổ đông chiến lược để yêu sách, chỉ đạo Hà Văn Thắm chi lãi ngoài cho các công ty thành viên của PVN.

Bị cáo chiếm đoạt số tiền rất lớn, một phần chi cho mục đích cá nhân, phần khác chi cho các mối quan hệ thân hữu. Hành vi của bị cáo gây ảnh hưởng xấu, gây bất bình, phẫn nộ trong dư luận và quần chúng nhân dân.

Hành vi của bị cáo Sơn diễn ra một thời gian dài, gần như công khai. Tại tòa, bị cáo quanh co, không thành khẩn, không có ý thức tuân thủ pháp luật, cọi thường pháp luật, thách thức giới hạn của pháp luật, cần xử lý nghiêm khắc để bảo đảm răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Đối với bị cáo Hà Văn Thắm, xuất phát từ động cơ, lợi ích cá nhân, xuất phát từ áp lực PVN là cổ đông lớn đã tiến hành chỉ đạo thu phí của khách hàng thông qua Công ty BSC là “sân sau” của Thắm. Trong hành vi chi lãi ngoài,  bị cáo Thắm là người chủ mưu, khởi xướng việc chi lãi ngoài. Gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn, gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nhà nước. Tiếp tay cho hành vi tham nhũng của bị cáo Sơn nên cần xử lý bị cáo Thắm một cách nghiêm khắc.

Tuy nhiên trong vai trò đồng phạm với Sơn, Thắm chỉ là người giúp sức, không trực tiếp chiếm đoạt nên có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Đối với bị cáo Nguyễn Minh Thu, dù biết hành vi chi lãi ngoài là trái quy định của pháp luật nhưng vẫn tiếp nhận ý chí chỉ đạo của Hà Văn Thắm và tổ chức thực hiện. Quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Thu thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên có thể xem xét giảm nhẹ một phần hính phạt.

Đại diện Viện kiểm sát cũng chỉ rõ đối với các bị cáo là giám đốc phòng, ban của OceanBank, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội theo sự chỉ đạo của bị cáo Thắm, bản thân không hưởng lợi nên có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Đối với 34 giám đốc các chi nhánh của OceanBank, các bị cáo đều là người làm công, ăn lương, làm theo sự chỉ đạo, nhiều bị cáo đã nộp lại tiền khắc phục hậu quả... nên cần được hưởng chính sách khoan hồng.

Đáng chú ý, đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị HĐXX kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét trách nhiệm của các cá nhân có liên quan vì việc để xảy ra các sai phạm tại OceanBank có một phần trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục