Năm nay, tết kéo dài hơn mọi năm. Thứ nhất là “tết tây” quá gần với “tết ta”, cách nhau chưa tới 1 tháng. Và thứ hai là được nghỉ tết ta tới 9 ngày liên tục. Không khí tết nhất, lễ lạt… rất tưng bừng.
Tết cổ truyền của người Việt cũng như nhiều quốc gia châu Á khác được biết đến là thời điểm đặc biệt, đặc sắc và độc đáo. Đó là những ngày mà bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia bộc lộ rõ ràng nhất. Tết không chỉ là áo mới, là bánh chưng bánh tét, hoa mai hoa đào… mà còn là sự đoàn viên, là phút lắng hồn ngược về quá khứ, tìm về và ôn lại bản sắc văn hóa cội nguồn. Được nghỉ nhiều ngày, phải chăng vì thế mà “tinh thần tết” không còn cô đặc mà đã bị pha loãng? Câu trả lời phải tìm ở những góc độ khác, nhìn chung đó là sự mai một của văn hóa truyền thống.
Nói về tục đầu năm đông người đi lễ chùa, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam lý giải, đó là “chốn thiêng” trong tâm thức người Việt nên nhiều người tìm tới, để vãn cảnh, để chiêm nghiệm và để cầu mong. Nhưng thực ra thì càng ngày trong số người đi lễ chùa đầu năm càng đa dạng về mục đích, ý nghĩa của việc này cũng đã khác đi. Chùa chiền là nơi thanh tịnh, chay tịnh nhưng không ít người tới đặt lễ với mâm cao cỗ đầy, cầu xin cho bằng được thật nhiều tiền bạc.
Ngay từ sáng sớm mùng 1 Tết, đoạn đường gần khu vực chùa Phúc Khánh (đường Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội) đã đông kín người xe, họ đến để cầu cúng, để dâng sao giải hạn. Hoặc như phủ Tây Hồ thờ mẫu Liễu Hạnh, với tập tục xưa các bà mẹ người Hà Nội thường dẫn con gái đến khấn một lần trong đời, để mong con gái mình có được gia đình riêng hạnh phúc; thì nay nghìn nghịt người, ngồn ngộn các mâm lễ, và người ta cầu xin tất cả, từ tiền cho đến tình, cả dâng sao giải hạn và cắt tiền duyên, chứ không còn là chốn thiêng của Mẹ (mẫu) như lúc khởi nguồn.
Trở lại những chuyện nhỏ hơn, nhưng cũng thấy sự biến tướng, xa rời ý nghĩa gốc và đôi khi còn làm mất đi vẻ đẹp của một mỹ tục. Đó là việc “lì xì”. Tục “mừng tuổi” người già, trẻ nhỏ trong thời khắc giao thừa và ngày đầu xuân vốn dĩ rất đẹp, mang ý nghĩa tượng trưng nhưng rồi đã biến thành nỗi áy náy của không ít người. Trong các bao lì xì kia, người ta cũng chia ra nhiều ít, có người còn tranh thủ biếu tiền như một hành vi đút lót. Lại có nhà khi thấy khách đến thì “nháy” tất cả mọi người ra… xếp hàng, để đợi lì xì. Thái độ của người lớn đã tác động xấu đến trẻ em, chỉ mong đến tết để có tiền lì xì, ý nghĩa của tết cổ truyền chỉ còn gói gọn trong những bao lì xì hồng hồng đỏ đỏ.
“Tháng giêng là tháng ăn chơi”, là tháng hội hè. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống kê cả nước có khoảng 500 lễ hội lớn nhỏ”. Lễ hội là một bộ phận cấu thành của nền văn hóa dân tộc, nhưng theo thời gian, từ thái cực này nhảy sang thái cực kia nó vẫn chưa tìm được sự thăng bằng cần thiết.
GS Tô Ngọc Thanh cho rằng kẻ giàu, người nghèo đều nô nức đến hội trước hết để được đắm mình trong không gian thiêng và thời gian thiêng, “để được tiếp nhận năng lượng thiêng của cả trời đất, quá khứ, hiện tại và để được trải nghiệm sự thăng hoa trong không - thời gian thiêng liêng ấy”. Tuy nhiên, ông cũng buồn lòng mà than rằng sự thiếu hiểu biết đã biến lễ hội trở nên nhếch nhác và sai bản chất. “Người ta đang lạm dụng hội thái quá!”, ông thốt lên. Theo ông, ngày nay những người tổ chức, những lớp trẻ tham gia hội không hiểu chiều sâu tâm linh, không hiểu ý nghĩa cao cả của hội và nhất là quan niệm “phần hội thì vui vẻ” nên đã vô tình làm sai lệch cả hình thức và nội dung của tinh hoa - những viên ngọc văn hóa, bằng những “cải tiến” theo ý riêng.
Tết Nguyên đán, lễ hội vẫn mãi còn theo dòng chảy truyền thống của văn hóa dân tộc. Nhưng làm gì để tết ta “thật ta”, lễ hội thật vui tươi hoan hỉ thì đó lại là một việc rất khác, nhất là khi nó vẫn đang tiếp tục bị pha loãng, mai một.
Hà Trọng Nghĩa