Với việc giành vé đầu tiên của bảng B vào bán kết AFF Cup 2016 thì đây là lần thứ 9 sau 11 kỳ giải, Việt Nam lọt vào vòng 4 đội mạnh nhất, ngang với Thái Lan - đội bóng mạnh nhất khu vực và hiện đang ở trong tốp 10 châu Á. Thế nhưng, nếu Thái Lan có đến 7 lần vào đá chung kết với 4 lần đăng quang chức vô địch thì Việt Nam mới có 2 lần đi đến trận cuối cùng và chỉ 1 lần chiến thắng tại AFF Cup 2008.
Như vậy, dù ổn định trong tốp 4 của làng túc cầu khu vực suốt 20 năm qua, nhưng nếu xét về thành tích thì Việt Nam không chỉ thua sút so với Thái Lan, mà còn kém hơn cả Singapore (5 lần vào bán kết thì 4 lần vô địch), Malaysia (3 lần đá chung kết trong 7 lần vào bán kết). Thế nên, nói bóng đá Việt Nam dù luôn có tiềm năng nhưng lại thiếu hẳn một đẳng cấp nhất định cũng có cơ sở.
Mấu chốt của vấn đề nằm ở tầm nhìn, cách đặt vấn đề trong các chiến lược phát triển bóng đá. Một đội bóng thường xuyên có mặt ở tốp 4 đội mạnh nhất thì mục tiêu vô địch phải xem là chuyện đương nhiên, là nhiệm vụ phải thực hiện chứ không thể hồi hộp qua từng trận đấu để rồi cứ “ăn mừng vỡ òa” khi giành vé vào bán kết như thể mới lần đầu tiên.
Bóng đá Thái Lan vươn đến tầm châu Á không có nghĩa là họ xem nhẹ việc thắng AFF Cup, nhưng họ không chuẩn bị cho mục tiêu mang tính bắt buộc ấy theo cách mà Việt Nam đang làm. Họ không cần phải tập trung đội tuyển nhiều tháng trời. Họ thường chỉ chọn các trận đấu cọ xát theo chuẩn của FIFA, tức là các đội tuyển quốc gia đá với nhau để bảo đảm chất lượng chuyên môn tốt nhất. Chỉ riêng thói quen sử dụng đội tuyển quốc gia để đá với các CLB đã cho thấy sự khác nhau giữa Thái Lan và Việt Nam.
Đẳng cấp không đến trong một ngày, mà nó được xây dựng dựa trên nền tảng chiến lược dài hạn, bắt đầu từ những đội tuyển trẻ, từ các trận đấu giao hữu, những chuyến tập huấn ở nước ngoài và cả yếu tố chất lượng của giải nội địa. Trong khi đó, các đội tuyển U.16, U.19, Futsal, bóng đá nữ của Việt Nam hiện đang ở trong tốp 10 của châu lục, thậm chí giành vé dự World Cup thì những tầm nhìn dành cho đội tuyển quốc gia lại khá tủn mủn, thiếu thống nhất. 16 năm trước, từng có đề án “tranh vé World Cup”, cách đây 2 năm câu chuyện này lại được nhắc đến, trong khi đó chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ phê duyệt có đề cập các mục tiêu vào tốp 15, tốp 10 châu Á lại chẳng thấy quan tâm dù nay đã là năm 2016.
Đặt một mục tiêu lớn không có nghĩa là bỏ qua các đấu trường khu vực như AFF Cup, SEA Games..., thế nhưng nếu không có những cột mốc có tính định hướng như vậy thì làm sao có cách đầu tư hợp lý, căn cơ như tin dùng HLV nội dài hạn, thuê giám đốc kỹ thuật nước ngoài trình độ cao, cải thiện yếu tố tâm lý, dinh dưỡng hoặc đưa cầu thủ sang các quốc gia tiên tiến học việc…
Với chặng đường tương đối thành công vừa qua, hy vọng đội tuyển bóng đá quốc gia dưới thời của HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ thành công tại AFF Cup 2016, để bóng đá Việt Nam đủ niềm tin đặt ra một quyết tâm lớn hơn cho quá trình hội nhập của mình.
VIỆT QUANG