Để thu phí không dừng thực sự phát huy hiệu quả

Theo đánh giá sơ bộ, sau gần 2 tháng thực hiện thu phí không dừng (ETC) trên toàn quốc, tình trạng ùn tắc giao thông đã giảm, thời gian lưu thông qua trạm rút ngắn 6-7 lần so với trước đây. Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn. Vậy làm thế nào để ETC thuận lợi hơn, công bằng hơn cho khách hàng?
Hỗ trợ khách hàng mở tài khoản, dán thẻ ETC trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: VIẾT CHUNG
Hỗ trợ khách hàng mở tài khoản, dán thẻ ETC trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: VIẾT CHUNG

Khắc phục triệt để lỗi kỹ thuật

Bà Vũ Thị Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) chia sẻ, thay vì mất 5 năm cho 4 giai đoạn, chúng ta đã mất 5 năm cho giai đoạn đầu là phủ sóng ETC trên toàn bộ các trạm thu phí. Đó là quá trình chủ yếu nhằm xử lý các vướng mắc về mặt chính sách, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, xử lý những bất cập của hệ thống. 

Để khắc phục triệt để lỗi hệ thống, ông Cao Đình Ngân, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Giao thông số (VDTC) cho rằng, cần hoàn thiện  kết nối liên thông giữa 2 nhà cung cấp dịch vụ ETC là VETC và VDTC. Cụ thể, VDTC đã kiến nghị xây dựng bộ chỉ tiêu áp dụng chung thống nhất về vận hành hệ thống giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT, đánh giá chất lượng dịch vụ thường xuyên tương tự như các mạng viễn thông, công nghệ thông tin. 

Mặt khác, theo ông Cao Đình Ngân, hiện các chính sách và chế tài chưa đủ mạnh đối với phương tiện vi phạm, dẫn đến các nhà cung cấp dịch vụ phải tăng cường nhân sự tại trạm, làm tăng chi phí nhân công, chi phí quản lý. Để tiến tới phương án loại bỏ barrier, tránh việc phụ thuộc vào thẻ, loại bỏ được các nguyên nhân sai sót từ vận hành do nhân sự, VDTC kiến nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) ban hành chế tài xử lý biển giả để có thể thực hiện cơ chế phạt nguội; hướng tới dịch vụ trả sau để khắc phục lỗi chủ yếu hiện nay là không có tiền trong tài khoản; coi tài khoản giao thông như một ví điện tử để khách hàng có thể dễ dàng sử dụng và quản lý.

VDTC cũng đã gửi Quy trình vận hành khai thác, quy trình đánh giá hiệu năng, quy trình ký hợp đồng dịch vụ, các tiêu chuẩn khuyến cáo lên Tổng cục ĐBVN tham khảo ban hành quy trình chung để kiểm soát và hướng dẫn các nhà cung cấp dịch vụ, vận hành hệ thống tốt hơn. 

Theo thông tin từ VDTC, tính đến thời điểm này, VDTC đã dán thẻ ePass cho hơn 1,6 triệu khách hàng. Tỷ lệ các xe sử dụng ETC qua trạm do ePass vận hành trung bình lên đến 83%. Tương tự, VETC đã dán thẻ etag cho 2,3 triệu khách hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường thu phí ETC chưa thực sự lành mạnh khi chỉ có 2 nhà cung cấp. Về vấn đề này, Bộ GTVT cho rằng, khi có thêm nhà cung cấp, vấn đề kết nối và liên thông công nghệ là yếu tố cần tính đến, nên cần cân nhắc ở góc độ những cơ quan quản lý. 

Công bằng hơn cho khách hàng

 Một trong những mục tiêu quan trọng của thu phí ETC là tạo sự minh bạch, công bằng trong thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người dân, việc thu phí lượt đang áp dụng trên hầu hết các trạm thu phí đường bộ hiện nay chưa thực sự công bằng, dù đã thực hiện thu phí ETC. Việc đi chặng ngắn vẫn phải trả phí như đi chặng dài là khó chấp nhận. 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, tại Thông tư 45/2021/BGTVT có quy định về 2 phương thức thu phí sử dụng giao thông đường bộ. Trong đó, phương thức mở là chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí, không phụ thuộc vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi mà chỉ phụ thuộc vào kiểu loại phương tiện; phương thức thu phí kín là chủ phương tiện trả tiền theo thực tế chiều dài quãng đường đã đi. Hiện tất cả các tuyến cao tốc đã áp dụng phương thức thu phí kín, còn các trạm thu phí trên quốc lộ áp dụng phương thức mở. Lý do các trạm trên quốc lộ không thể thu phí kín bởi hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT không phải xây dựng tuyến mới, mà chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu, có nhiều đoạn giao cắt đồng mức (nghĩa là có nhiều lối ra vào trên tuyến). Để khắc phục bất cập của hình thức thu phí mở, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục ĐBVN rà soát tất cả các trạm thu phí BOT để có chính sách miễn, giảm giá đối với các phương tiện của người dân xung quanh trạm thu phí. Bộ GTVT cũng khẳng định, việc thu phí kín trên các tuyến quốc lộ là không khả thi!

Bộ GTVT cũng cho biết, hiện các cơ quan quản lý, các nhà cung cấp dịch vụ đang tích cực khắc phục những lỗi phát sinh của hệ thống thu phí ETC. Các nhà cung cấp dịch vụ sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng các điểm dịch vụ để dán thẻ cho các phương tiện, cải thiện các hình thức kết nối liên thông tài khoản ngân hàng và tài khoản giao thông để tạo sự thuận lợi cho người sử dụng, minh bạch tài chính và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Đồng thời, các đơn vị đang nỗ lực để đảm bảo tiến độ chuẩn bị chuyển sang giai đoạn 2, dự kiến vào năm 2024, các trạm thu phí không còn barrier, chỉ duy trì các giải phân cách các làn, không còn cabin thu phí. Để bước sang giai đoạn này, các cơ quan quản lý phải xây dựng hành lang pháp lý, chế tài xử phạt, phương án thu hồi nợ để có thể cho phép trả tiền trước hoặc trả tiền sau qua các kênh tín dụng.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị trả lời một số kiến nghị của cử tri liên quan đến thời gian thu phí, việc triển khai thu phí không dừng và công tác duy tu quốc lộ 51.

Theo đó, từ năm 2015 đến nay, lưu lượng xe lưu thông trên quốc lộ 51 tăng nhanh và phí thu vượt dự kiến ban đầu, trong khi thời gian dự kiến dừng thu phí trên quốc lộ 51 đến tận ngày 12-1-2030. Mặc dù Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép triển khai lắp đặt hệ thống ETC để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận nên cử tri mong muốn Bộ GTVT cho biết nguyên nhân. 

PHÚ NGÂN

Tin cùng chuyên mục