Để vững bước hội nhập

Thời điểm Việt Nam hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã rất gần; Việt Nam cũng sẵn sàng ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP. Những cuộc cạnh tranh mạnh mẽ và quyết liệt về chất lượng, giá thành, đó là thực tế khi chúng ta sắp bước vào những “sân chơi” lớn này.

Theo cảnh báo của các chuyên gia trong nước, chăn nuôi sẽ là ngành chịu tác động lớn do phải cạnh tranh trực diện; nếu Việt Nam không áp dụng khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh, lúc đó nguy cơ phải “nhường sân” cho các doanh nghiệp (DN) nước ngoài là điều thấy rõ.

Lâu nay, khu vực Đông Nam bộ mặc nhiên được xem như “thủ phủ” của ngành chăn nuôi Việt Nam. Quán quân trong khu vực là tỉnh Đồng Nai, địa phương này có tổng đàn gia súc, gia cầm với gần 1,3 triệu con heo, 13 triệu con gà công nghiệp. Ở lân cận, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 620 cơ sở chăn nuôi heo, quy mô đàn từ 50 con trở lên; trong đó 39 cơ sở có quy mô trên 1.000 con, với đàn heo khoảng 400.000 con… Ở thời điểm năm 2005, trong toàn vùng, số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 80% - 85%, trang trại lớn chiếm 15% - 20%, thì nay các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã gần như “biến mất”, chỉ còn tồn tại những trang trại lớn.

Lý giải hiện tượng này, nông dân trong vùng Đông Nam bộ cho hay, các đợt dịch bệnh liên miên, giá heo rớt lên rớt xuống, lại bị thương lái ép giá, cạnh tranh không nổi với heo nuôi của các DN nước ngoài nên bà con đành “treo” chuồng, bỏ nghề, chuyển qua làm đại lý cung ứng thức ăn chăn nuôi.

Tại thời điểm này, thuế suất nhập khẩu các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam còn ở mức tương đối cao. Chẳng hạn thuế thịt bò nhập khẩu từ 14% - 30%; thịt heo 15% - 25%; thịt gà 15% - 40% tùy loại… Song thời gian tới, có thể hàng rào bảo hộ trên sẽ không còn khi Việt Nam tham gia TPP. Tới lúc đó, dự kiến các mức thuế nhiều sản phẩm thịt nhập khẩu sẽ bằng 0%. Thịt bò, thịt heo từ Úc, Mỹ, những nước có nền chăn nuôi tiên tiến trong TPP sẽ ào ạt tràn vào nước ta, khi đó chắc chắn các trang trại lớn ở miền Đông Nam bộ sẽ gặp cảnh lao đao, còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tránh khỏi tình cảnh dẹp đàn…

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ phải hình thành quy hoạch và xây dựng ngay các vùng chăn nuôi tập trung, có quy mô lớn để sản xuất. Những vùng này sẽ chuyên sản xuất các loại vật nuôi có chất lượng tốt, năng suất cao, đảm bảo các yếu tố tiêu chuẩn để xuất ngoại, như vậy mới có hy vọng.

Trước xu thế hội nhập, các chuyên gia trong ngành nông nghiệp Việt Nam nhận định, bên cạnh thách thức, ngành chăn nuôi vùng Đông Nam bộ cũng có một số lợi thế như tập quán người dân vẫn thích sử dụng thực phẩm tươi hơn là thịt đông lạnh. Nếu biết tận dụng để xây dựng hàng rào kỹ thuật thì ngành chăn nuôi sẽ cạnh tranh hiệu quả. Song song đó, với mục tiêu cắt giảm 90% thuế xuất nhập khẩu giữa các nước cũng tạo ra cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi tiếp cận thị trường mới, thu hút đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực này, ít ra là trong khối ASEAN. Vì vậy, các DN và nông hộ cần hiểu biết và nắm rõ các thách thức cũng như cơ hội mới để có thể vững bước hội nhập.

ĐỨC THANH

Tin cùng chuyên mục