Theo đó, Bộ Công an nêu rõ, việc đề xuất đổi màu biển số các phương tiện kinh doanh vận tải của Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, người dân; phát sinh thêm thủ tục hành chính cho cơ quan quản lý nhà nước, gây lãng phí thời gian và tiền bạc của người dân. Chưa phù hợp với việc thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, gây phiền hà cho nhân dân.
Cùng với đó, tại Thông tư số 20/2010/TT-BGTVT ngày 30-7-2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về cấp, đổi, thu hồi đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ; “Biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen” đang được ngành Giao thông sử dụng để đăng ký, cấp biển số cho xe máy chuyên dùng. Do vậy, nội dung Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM đề nghị Bộ Công an sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe: Đối với tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải quy định biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen là không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, sự đồng thuận của xã hội và chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Đảng, Nhà nước.
Bộ Công an cho biết, theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, ngoài việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, còn phải có thêm các điều kiện như:
- Niêm yết hai bên cánh cửa xe các thông tin như: tên, số điện thoại và biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Có phù hiệu xe taxi;
- Hộp đèn với chữ “TAXI” gắn trên nóc xe, hộp đèn bật sáng khi trên xe không có khách và tắt khi trên xe có khách;
- Đồng hồ tính cước đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm định và kẹp chì.
Như vậy, hiện nay việc quản lý phương tiện kinh doanh vận tải bằng ô tô nói chung và phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi nói riêng, đã có các văn bản của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải quy định rất đầy đủ, cụ thể, bảo đảm quản lý chặt chẽ, đồng thời khách hàng khi sử dụng dịch vụ có thể nhận biết phương tiện, doanh nghiệp để lựa chọn sử dụng dịch vụ phù hợp.