Đề xuất những giải pháp căn cơ

Sau loạt bài “Bài toán tăng học phí và công bằng trong giáo dục” (Báo SGGP đăng vào các ngày 15, 16 và 17-6), nhiều nhà quản lý, chuyên gia giáo dục đã có ý kiến phản hồi, kiến nghị về những giải pháp cho bài toán học phí và chất lượng.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (trường tự chủ) trong giờ học tại phòng học số
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (trường tự chủ) trong giờ học tại phòng học số

GS LÊ VINH DANH, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng: 

Bao cấp phải đúng đối tượng

Một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và cả Luật Giáo dục ĐH có quy định những ngành nghề, trường ĐH đặc thù nào thì được Nhà nước bao cấp. Như vậy, việc bao cấp vẫn còn, nhưng phải đúng đối tượng. Phụ huynh muốn con em mình được bao cấp thì phải chọn học ở các ĐH này.

Việc bao cấp chỉ nên thực hiện theo chương trình, theo dự án, có theo dõi quá trình thực hiện để bảo đảm việc hoàn trả sản phẩm (cả giáo dục và khoa học - công nghệ). Nghĩa là bao cấp có điều kiện. Lúc đó, chúng ta mới hy vọng các trường được bao cấp nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động.

Còn với những ĐH tự chủ, trách nhiệm của Nhà nước là mở rộng tín dụng sinh viên tối đa, cân nhắc thời gian ân hạn trả nợ không phải trả lãi, đơn giản hơn nữa thủ tục ngân hàng, để người học có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị thương tổn có thể tiếp cận dễ dàng và tự đầu tư cho việc học. 

Nhưng nói đến việc “thu phí phù hợp với chất lượng giáo dục của trường” thì lấy cái gì mà đo? Nước mình thì chưa thấy, hoặc có những cách tính khá chi tiết nhưng không hoàn toàn hợp lý.

Nước ngoài thì họ thực tế hơn. Các ĐH của Anh, sau nhiều năm thống kê và đánh giá, tự xác định: học phí bậc ĐH trung bình/sinh viên/năm học đầu = tiền lương cả năm đầu tiên từ công việc chính thức mà người tốt nghiệp hạng trung bình từ trường đó tự tìm việc và được nhận.

Với cách tính này, giả định một ĐH Việt Nam có người học tốt nghiệp hạng trung bình, xin được việc làm với mức lương khởi điểm là 8 triệu đồng/tháng cho năm đầu tiên, thì tổng tiền lương năm đầu sẽ khoảng 100 triệu đồng/năm. Lúc đó, trường ĐH này có cơ sở để thu học phí từ người học mức phí suýt soát 100 triệu đồng/năm học. 

Lập luận của họ về cách tính trên như sau: (1) học ĐH là một dự án đầu tư; (2) có thể vay tiền để đầu tư nếu không có tiền túi hay được tài trợ; (3) cần 3 năm đi làm để hoàn vốn đầu tư (tương đương 3 năm học ĐH ở Anh), tỷ lệ hoàn vốn này là chấp nhận được; (4) muốn vừa hoàn vốn đầu tư mà vẫn có tiền để trang trải sinh hoạt thì phải đi làm thêm việc thứ 2, hoặc tốt nghiệp khá, giỏi hơn để được trả lương cao hơn mức trung bình nói trên, hoặc phải học ở những ĐH danh tiếng hơn để không những dễ xin việc mà còn được lương khởi điểm cao hơn...

Hệ quả của logic này là người học luôn phải cố gắng học giỏi hơn, và trường ĐH phải cố gắng nâng hạng liên tục để người học của họ dễ xin việc và có lương/năm học cao hơn học phí/năm học. 

Th.S LÊ MINH TIẾN, Trường ĐH Mở TPHCM: 

Tăng học phí là xu hướng khi ĐH chuyển qua tự chủ

Ngày nay, nhiều tầng lớp yếu thế trong xã hội có cơ hội tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục bậc cao. Tuy nhiên, theo xu thế phát triển, mọi thứ gần như đều trở thành hàng hóa và giáo dục ĐH cũng không thoát khỏi tình trạng “bị hàng hóa hóa”, tức biến thành một loại hàng hóa theo kiểu thuận mua vừa bán.

Khi đó, các chính phủ dần dần rút khỏi việc trợ cấp cho bậc đào tạo này và để cho thị trường quyết định. Khi giáo dục ĐH tuân theo cơ chế thị trường theo kiểu “tính đúng, tính đủ” thì việc tăng học phí là điều khó tránh khỏi, và đương nhiên sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận bậc đào tạo này. Các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới đã chứng minh điều đó.

Giáo dục ĐH tại Việt Nam trong khoảng 5 năm vừa qua cũng theo xu hướng tăng học phí và đây có lẽ sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới, khi các trường ĐH đều chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính. Tuy nhiên cho đến hiện nay, hình như vẫn chưa có nghiên cứu nào xem xét xem cơ cấu kinh tế - xã hội của các sinh viên đang theo học tại các trường tự chủ tài chính là như thế nào. Liệu tỷ lệ sinh viên xuất thân từ các tầng lớp có thu nhập thấp chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong cơ cấu sinh viên của một trường ĐH… Theo quan sát của chúng tôi, việc tăng học phí chưa tác động đến tỷ lệ đăng ký học ĐH nhưng có lẽ đã làm thay đổi cơ cấu của sinh viên xét về mặt kinh tế - xã hội mà theo đó, giáo dục ĐH hình như chỉ phù hợp với các em học sinh có điều kiện kinh tế khá giả mà thôi. 

TS HOÀNG NGỌC VINH, Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban Đổi mới giáo dục quốc gia: 

Cần chính sách mới về tăng tín dụng cho sinh viên

Tự chủ giáo dục ĐH thì nhà trường có quyền xác định mức học phí theo nguyên tắc tính đúng tính đủ, Nhà nước không cấp ngân sách theo cơ chế trước kia nữa nên rất cần có chính sách mới về tăng tín dụng cho sinh viên vay để học. Tùy theo hoàn cảnh gia đình và ngành học để xác định mức vay tín dụng ưu đãi, không phải ngành nào cũng như ngành nào.

Mặt khác, nhà trường cần có trách nhiệm giải trình về tài chính và chất lượng cũng như cải thiện chất lượng hiệu quả quản lý. Tinh giản chương trình, loại bỏ những nội dung thừa trong từng bài học và từng chương trình, ứng dụng công nghệ dạy học, quản lý chất lượng và tránh hội họp, tiệc tùng gây lãng phí. Câu hỏi tăng học phí liệu chất lượng có tăng, là vấn đề nhà trường cần trả lời bằng hành động và kết quả cụ thể.

Với sinh viên, cần hiểu rõ thông tin về ngành học và cùng chia sẻ gánh nặng tài chính với nhà trường, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ học tập và cũng nên có ý kiến với cơ quan quản lý nếu những cam kết về chất lượng của nhà trường bị phá vỡ.

Tin cùng chuyên mục