Đếm ngày “khai tử” lò gạch thủ công

Đua nhau mở lò gạch
Đếm ngày “khai tử” lò gạch thủ công

Bài 1: Đua nhau mở lò gạch

Hạn chót năm 2010, trên địa bàn cả nước phải xóa xong các lò gạch thủ công vì ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Mục tiêu trên đã được Chính phủ chỉ đạo từ 10 năm trước. Nhưng năm 2010 đã sắp qua đi mà chính quyền các địa phương vẫn đang lúng túng không biết làm sao để xóa, nên nhiều lò gạch thủ công ở khắp mọi nơi vẫn đang thi nhau… nhả khói.

Mặc dù từ năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định về việc xóa bỏ toàn bộ lò gạch thủ công, nhưng theo khảo sát của PV Báo SGGP, hiện ở nhiều tỉnh thành thuộc miền Bắc - nơi có phong trào làm gạch theo kiểu thủ công đã tồn tại cả ngàn đời - như Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang… vẫn hiện diện hàng ngàn lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới hoa màu và sức khỏe người dân, đặc biệt là nguy cơ sập lò.

Lô nhô lò gạch

Chúng tôi về làng Lai Sơn thuộc xã Bắc Sơn (Sóc Sơn-Hà Nội), nơi vừa xảy ra một vụ ngộ độc khí thải lò gạch làm 3 người tử vong tại chỗ và 2 bị thương. Đứng trên đê nhìn ra, cả một vùng rộng hàng cây số vuông, đâu cũng lô nhô lò gạch, bên những miệng vực bị đào nham nhở như cảnh chiến trường bị bom oanh tạc. Con đê của làng Lai Sơn như sắp bị đổ ụp vì hàng trăm chiếc máy xúc đang thi nhau đào khoét đất bên dưới. Cánh đồng Lai Sơn trở nên xác xơ, vàng vọt vì khói lò gạch.

Lò gạch thu hút nhiều lao động ở nông thôn.

Lò gạch thu hút nhiều lao động ở nông thôn.

Theo thống kê, hiện ở thôn Lai Sơn đã có tới 400 lò gạch đang nhả khói. Cả làng có khoảng 500 hộ dân thì có tới 200 hộ mở lò làm gạch. Người dân kể, trước đây khu lò gạch còn nằm ở tít cánh đồng nhưng bây giờ, lò gạch đã “bò” về tận đầu làng.

Tuy nhiên, cảnh tượng ở làng Lai Sơn vẫn chưa thể bằng một “đại công trường” lò gạch chỉ nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội 20km theo đường chim bay về phía Tây, là Kim Quan và Phùng Xá (Thạch Thất-Hà Nội). Ở đây, mật độ lò nhiều tới mức hiện diện ngay giữa làng mạc, dân cư đông đúc. Đi giữa đường làng, khói mù mịt. Trời rét 17-18°C mà người nóng rực, mùi khói lò lại hăng hăng, ngai nồng. Trong làng, chỗ nào cũng ao, hồ nham nhở vì đất đã bị moi lên làm gạch. Bên các lò, người người hì hụi từ khâu nhào đất, lên khuôn, đóng gạch cho tới đưa vào lò nung.

Chị Cấn Thị Phương, một chủ lò ở xóm Gián, xã Kim Quan, cho biết: “Ban đầu nhà tôi chỉ có một lò, nhưng do gạch lên cơn sốt nên vợ chồng tôi vừa dựng thêm một lò nữa”. Mỗi tháng, cả hai lò gạch của họ “nhả” ra hơn 50.000 viên gạch thủ công. Do đất chật, họ phải thiết kế hai lò gạch nằm ôm sát hai bên nhà ở. Trong thôn, hầu như chẳng gia đình nào còn trồng lúa, đất ruộng bị xới lên để làm gạch.  

Tương tự, anh Cấn Văn Tôn, ở xóm Đồi, hiện đang sở hữu tới 3 lò gạch, cũng cho biết: “Phần lớn các lò gạch ở Kim Quan đều phải đặt ngay trong khuôn viên khu nhà ở. Quanh năm, người và khói sống chung. Có khi giường ngủ phải kê sát vách lò, ngột ngạt cũng phải chịu”.

Hỏi các chủ lò rằng, có biết tháng 12-2010 là hạn chót để xóa sổ các lò gạch thủ công không, anh Kiều Văn Thủy, một chủ lò dửng dưng: “Có biết, nhưng chẳng thấy ai tới bắt phải đập bỏ lò, nên chúng tôi vẫn làm”.

Cảnh lò gạch nhả khói ngay giữa khu dân cư ở xã Kim Quan (Thạch Thất - Hà Nội).

Cảnh lò gạch nhả khói ngay giữa khu dân cư ở xã Kim Quan (Thạch Thất - Hà Nội).

Cách đó không xa là xã Phùng Xá, nơi đang có gần 30 lò gạch thủ công ngang nhiên đỏ lửa ngày lẫn đêm mà không có giấy phép gần chục năm nay, tập trung ở cánh đồng Mả Nan. Theo tìm hiểu, toàn bộ các hợp đồng của UBND xã Phùng Xá cấp cho các chủ lò đã hết hạn từ tận năm 2002 nhưng tới nay các lò gạch vẫn vô tư nhả khói!

Ông Chu Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá, thừa nhận nhiều năm qua đã tồn tại mâu thuẫn dai dẳng giữa hoa màu của nông dân và các lò gạch. Mỗi năm xã phải đứng ra giải quyết không dưới chục vụ bồi thường lúa, hoa màu cho các hộ dân, nhưng không thể dẹp được các lò gạch vì “làm gạch mang lại siêu lợi nhuận”, lúa và hoa màu có thiệt hại, các chủ lò đền tiền là xong.

Ở thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn (Sóc Sơn) cũng tương tự. Trong gần 200 hộ dân vẫn đang ngang nhiên đỏ lửa, chỉ 18 hộ có hợp đồng với UBND xã. Còn lại làm chui hoặc hợp đồng đã mãn hạn từ năm 2009, thậm chí từ năm 2008. Ông Tạ Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, cũng trả lời rằng không nắm được việc các hộ dân mở lò chui và xã cũng chưa từng có chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công theo quy định.

Trước đây, làm gạch khá vất vả. Có khi một năm chỉ dám đốt 1-2 lò vào lúc nông nhàn. Nhưng bây giờ, khi nhu cầu xây dựng và giá vật liệu tăng cao người ta đua nhau đắp lò đốt gạch bằng mọi giá. Năm trước, giá gạch khoảng  650-700 đồng/viên, nay đã lên tới 1.100-1.200 đồng, có nơi 1.250 đồng/viên. Trung bình một lò mỗi tháng cho ra 3 vạn viên gạch, thu khoảng 30 triệu đồng, nên chủ nào cũng muốn đắp thật nhiều lò, nung thật nhiều gạch. Trong khi đầu tư cho một lò gạch thủ công chỉ tốn 9-10 triệu đồng, có thể đốt “dã chiến” vài năm liền. Thậm chí ở vùng Tiền Hải (Thái Bình), người dân còn xây kiểu lò trần, không hề đắp vỏ mà chỉ xếp gạch mộc lên rồi trét bùn mỏng xung quanh để đốt, thật nguy hiểm.

Càng giải tỏa, lò càng mọc

Tình trạng trên đang xảy ra ở nhiều nơi bao quanh thủ đô Hà Nội. Trong đó, huyện Mê Linh vừa là một vựa hoa tươi, cũng là một “đại công trường” khổng lồ các loại lò gạch thủ công. Theo Phòng Công nghiệp huyện Mê Linh, nơi đây tập trung lượng lò gạch lớn nhất Hà Nội, lúc cao điểm có hơn 400 lò, tập trung ở các xã ven sông Hồng. Suốt 2-3 năm qua, mâu thuẫn giữa các chủ lò và dân làng đã trở thành câu chuyện nóng. Sau đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo xóa sổ hàng loạt lò gạch, nhưng tới thời điểm này, vẫn còn 125 lò đang hoạt động. Phần lớn các lò hoạt động chui hoặc được chính quyền sở tại “ngó lơ”. Ngoài ra, theo Sở TN-MT Hà Nội, trên địa bàn các xã ven sông Hồng của huyện Mê Linh, có tình trạng cán bộ chính quyền xã, thôn tự đứng ra ký hợp đồng cho các chủ lò hoạt động diễn ra tràn lan, như vậy không đúng thẩm quyền.

Trong năm 2009, Sở TN-MT Hà Nội đã yêu cầu chính quyền các địa phương giải tỏa hơn 400 lò gạch. Nhưng theo ông Nghiêm Đức Vinh, Trưởng phòng Khoáng sản thuộc Sở TN-MT Hà Nội, sang năm 2010, lượng lò gạch thủ công ở huyện Mê Linh lại tăng trở lại vì các chính quyền sở tại không mạnh tay dẹp bỏ.

Ở miền Bắc hiện nay, hầu như xã nào cũng đều có 5-7 lò gạch hoạt động. Thậm chí các “đại công trường” lò gạch như Tráng Việt, Văn Nhân, Hồng Thái (Hà Nội), Minh Tân, Thanh Lãng (Vĩnh Phúc), Thuận Thành (Bắc Ninh), Khoái Châu (Hưng Yên), Duy Tiên (Hà Nam)… đang ngày càng nở rộ hơn, kéo theo những mâu thuẫn giữa chính các chủ làm gạch với nhau, giữa chủ lò gạch với chính quyền và chủ lò gạch với dân làng.

VĂN PHÚC HẬU


Bài 2: Đất hết, người chết!

Tình trạng lò gạch thủ công đua nhau đỏ lửa khắp nơi, nhu cầu vật liệu xây dựng tăng mạnh đang dẫn tới một bi kịch ở nhiều nơi là đất làm gạch đã bị cạn kiệt. Cho nên nhiều nơi người ta còn phải cày tung cả ruộng đồng, vườn bãi, móc cả chân đê lên để làm vật liệu nung gạch… hậu họa ra sao mặc kệ.

“Đói” đất

Cách đây 300 năm, làng gốm Hương Canh thuộc huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đã có thương hiệu trong cả nước. Bước sang cơ chế thị trường, do vật liệu lên cơn sốt, người làng bỏ nghề gốm chuyển sang đắp lò nung gạch, ngói. Từ những năm 1990, Hương Canh trở thành một “đại công trường” lò gạch ở miền Bắc.

Tuy nhiên, khoảng từ năm 2005 trở lại đây, Hương Canh đã cạn dần đất nguyên liệu. Bởi các cánh đồng, thửa ruộng, bãi bồi đều đã bị móc vét lên để làm gạch ngói, vườn tược cũng bị khoét sâu thành ao, đầm. Để duy trì hoạt động, các chủ lò phải mua đất ở tận các xã Sơn Lôi, Quất Lưu, Tân Phong, Tam Hợp về làm gạch. Giá đất nguyên liệu cũng tăng từng ngày. Nhưng rồi, đến lượt các làng, xã khác cũng không còn đất để bán. Được vài ba năm làm kiểu “ăn đong” từng cục đất, nhiều chủ lò… thất nghiệp!

Anh Nguyễn Tất Viên, một chủ lò gạch gần như cuối cùng ở thôn Đống Mước, xã Hương Canh kể: “Có thời điểm, cả xã chúng tôi mọc lên 600 lò gạch. Số lượng quá nhiều, trong khi quỹ đất có hạn, nạn đào khoét đất vô tội vạ nên mới xảy ra tình cảnh cả làng thiếu đất như thế”. Dẫn chúng tôi ra khu vườn nhỏ phía trước nhà, chỉ xuống 2 ao lớn, anh bảo: “Hai cái ao kia cũng vì khoét đất làm gạch mà nên. Khoét sâu quá rồi, không thể khoét thêm được nữa”. Sở dĩ lò gạch của anh Viên còn… cầm hơi vì anh còn một thửa vườn ở sau nhà chưa khai thác. Bây giờ anh đang tính đào lên nốt để làm dăm ba mẻ gạch nữa, rồi lại tính!

Khi các chủ lò ở Hương Canh giải nghệ, hàng trăm người làm thuê đã kéo nhau sang các xã Thanh Lãng, Minh Tân bên cạnh đóng gạch thuê. Nhưng bây giờ, các xã trên cũng rơi vào cảnh cạn kiệt sạch đất nguyên liệu.

Ở các huyện Tiền Hải, Thái Thụy (Thái Bình), Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên (Hải Phòng)… nhiều năm nay còn có tình trạng cứ sau mùa gặt là người dân lại tranh thủ thuê máy xúc tới xúc đất ruộng để làm gạch. Ban đầu, người ta gợt lớp đất màu sang một bên rồi sấn từng vuông đất sét bên dưới để bán cho chủ lò gạch hoặc tự nung gạch, xong lấp đất màu trả lại để canh tác. Rồi tới mùa sau lại thế! Do nền ruộng bị thấp dần, lúa dễ bị úng nên năng suất cứ giảm dần. Mặc kệ, gạch vẫn còn đắt hơn lúa nên dân cứ khai thác làm gạch.

Càng báo động hơn khi chính quyền các địa phương thuộc Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… đang mặc nhiên cho các chủ lò gạch hoạt động và đào bới đất ngay sát chân đê các con sông lớn nhỏ như sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống, sông Bùi, sông Tích, sông Đáy…

Lao động làm việc ở các lò gạch thủ công không được trang bị đồ bảo hộ và không có hợp đồng lao động.

Lao động làm việc ở các lò gạch thủ công không được trang bị đồ bảo hộ và không có hợp đồng lao động.

Chẳng hạn, tại địa bàn xã Minh Phú, Văn Nhân, Hồng Thái (Phú Xuyên-Hà Nội), nơi đang có tới gần 70 vỏ lò gạch thi nhau hoạt động ngay trên khu vực bờ bãi sông Hồng, năm nào cũng xảy ra chuyện nông dân đi kiện vì lúa bị khói lò ám. Bộ NN-PTNT về kiểm tra đã kết luận, lò gạch ở đây chẳng những đe dọa tới lúa mà còn làm cản trở khả năng thoát lũ của dòng sông và xâm hại tới “tính mạng” của con đê bao, vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ đê điều quốc gia. Còn đi dọc bờ sông Đuống, đoạn gần qua chùa Bút Tháp ngược lên làng tranh Đông Hồ, cảnh “nằm nghiêng nghiêng” thơ mộng trong thơ Hoàng Cầm không còn nữa, đâu cũng ngổn ngang lò gạch ngay dưới bờ đê, khói lò mù mịt. Do quỹ đất ngày càng co hẹp, lò gạch ngày càng nhiều nên các chủ lò đang thi nhau “mổ bụng” dòng sông Đuống.

Dân làng lãnh đủ

Nhiều người hẳn vẫn chưa quên vụ sập lò gạch kinh hoàng ở thôn Cổ Châu, xã Châu Can (Phú Xuyên-Hà Nội) vào năm 2008, vùi chết 5 dân làng trong đống gạch khổng lồ, một người khác thiệt mạng trên đường đưa tới bệnh viện. Tất cả đều là phụ nữ. Lò gạch này hoạt động trái phép, 22 phụ nữ làm thuê chỉ được chủ lò hợp đồng bằng miệng, không hề có một phương tiện bảo hộ nào. Thế nhưng sau đó, những lò gạch thủ công vẫn không bị dẹp bỏ, theo năm tháng lại mọc lên nhiều lò gạch mới, lại gây nên những cái chết thương tâm, oan uổng. Điển hình như vụ bị ngạt khí thải lò gạch vào giữa tháng 11-2010, làm 3 người bị tử vong và 2 người khác bị thương tại thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn (Sóc Sơn-Hà Nội). Nạn nhân chính là các thành viên trong gia đình chủ lò gồm vợ chồng ông Nguyễn Văn Tý (56 tuổi), con trai, con rể, em vợ. Trong đó, cha con ông Tý và người em vợ tử nạn. Vụ này, không những người gặp nạn mà cả gà vịt, 4 con chó nuôi trong chuồng của ông Tý cũng lăn ra chết vì ngạt khói lò gạch. Lúc đó, cái lò gạch đốt bằng than của gia đình ông vẫn còn đang mù mịt khói.

Điều đáng buồn, những vụ tai nạn thương tâm, oan uổng như thế diễn ra liên tục, nhưng ai cũng cho rằng chỉ là chuyện hy hữu nên không thèm bận tâm!

Ở khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, phải nhắc tới “vựa gạch” ở xã Mộc Bắc thuộc huyện Duy Tiên (Hà Nam). Nơi đây, đứng ở bờ đê sông Hồng nhìn sang, các lò gạch mọc lên lúp súp và khói tỏa nghi ngút như sương mù. Bà Trần Thị Nhã, một người dân ở xã Mộc Bắc, bức xúc: “Từ khi người ta đốt gạch, làng xóm không lúc nào bớt ngột ngạt. Mỗi lần có gió Đông Bắc, chúng tôi phải di tản ngay con, cháu đi nơi khác vì chúng bị ho rất khổ”. Nhiều ngôi nhà bị khói lò gạch tràn vào bám đen thành bồ hóng. Thậm chí ở đây đang xuất hiện nhiều trường hợp bị ung thư và nhiều người dân cho rằng nguyên nhân do nhiều năm phải hít khói lò gạch.

Hồi đầu năm ngoái, ở các xã Tô Hiệu, Lê Lợi, Thống Nhất, Thắng Lợi... thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội) cũng đã có hiện tượng 5.000 sào lúa bị cháy sém vì khói lò gạch. Sau đó vài tháng, ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) bên cạnh cũng có tới 50ha lúa đang trổ bông bỗng chết rũ vì ám khói lò gạch. Còn ở xã Mộc Bắc, ông Trần Xuân cũng có hơn 3 mẫu ngô nằm ven bãi sông Hồng, cũng do khói lò gạch nên 2-3 năm nay ngô của ông không ra trái.

Ở xã Bắc Sơn (Sóc Sơn-Hà Nội) còn có chuyện, xã đứng ra thu của mỗi chủ lò gạch 3-5 triệu đồng, còn muốn đắp thêm một lò thì phải nộp 1,5 triệu đồng gọi là tiền “phạt vi cảnh” vì san lấp ruộng, khai thác đất màu của dân. Sau đó, khi dân có ruộng bị khói lò làm ảnh hưởng, xã sẽ trích khoảng 200.000 đồng/vụ cho mỗi sào lúa và gọi là tiền hỗ trợ. Bởi thế, lò gạch vẫn cứ ngang nhiên tồn tại, mặc sức tàn phá hoa màu của dân.

Do lò gạch thủ công gây ô nhiễm nghiêm trọng, giữa năm 2010, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo xóa bỏ lò gạch thủ công trước năm 2011. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến tháng 11-2010, trên địa bàn thủ đô vẫn còn tồn tại hơn 1.200 lò gạch thủ công. Trong đó, lò thủ công không ống khói vẫn chiếm 70%, còn lại lò đã cải tiến có ống khói.

Song ông Nguyễn Chí Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên (Hà Nội) lại cho rằng, các lò gạch thủ công có ống khói cao cũng chỉ giúp khí thải từ các lò gạch khuếch tán xa hơn, chứ không giảm lượng khí thải độc hại chưa xử lý ra môi trường.

VĂN PHÚC HẬU


Bài 3: Loay hoay chuyện “khai tử”

Lò gạch thủ công nguy hiểm rình rập, dân làng đêm ngày bức xúc, than thở nên cần phải sớm dẹp bỏ. Nhưng ở nhiều nơi lại đang loay hoay với việc có nên xóa sổ và làm sao có thể dẹp bỏ…

Giải quyết lao động: Chưa có lối ra

Trên địa bàn huyện Phú Xuyên (Hà Nội) hiện có 70 lò gạch thủ công hoạt động ở các xã Hồng Thái, Khai Thái, Quang Lãng... với công suất từ 25-30 vạn viên/lò. Ông Nguyễn Chí Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, cho biết trung bình mỗi lò gạch đang sử dụng 250-300 lao động. Bởi vậy, thực hiện chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công sẽ gặp khó khăn là chưa tạo được việc làm cho các lao động đang làm thuê ở lò gạch.

Một lò gạch đốt liên tục kiểu đứng theo mô hình của Trung Quốc sau 2 năm sử dụng đã bị nứt

Một lò gạch đốt liên tục kiểu đứng theo mô hình của Trung Quốc sau 2 năm sử dụng đã bị nứt

Ngoài ra, hầu như các lò gạch trên địa bàn tới năm 2012 mới mãn hợp đồng, thậm chí có lò tới năm 2015 mới xóa sổ được. Ông Quân cho rằng, nếu muốn giải tỏa phải đền bù thiệt hại cho các chủ lò gạch với số tiền ước khoảng 170 tỷ đồng. Do đó, UBND huyện Phú Xuyên đã đề nghị UBND TP Hà Nội cho các chủ lò ở 2 xã Khai Thái và Hồng Thái triển khai làm gạch cho tới khi mãn hợp đồng, với điều kiện các chủ lò phải đầu tư công nghệ xử lý khói thải.

Còn trên địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội), ông Phí Đình Phú, Trưởng phòng Quản lý đô thị, cho biết UBND huyện Thạch Thất mới chỉ lên phương án giải tỏa 121 lò gạch thủ công, chính quyền các xã cũng đã sẵn sàng nhưng đang lo định hướng sao để giúp các chủ lò và hàng ngàn lao động chuyển đổi sản xuất.

Khó cạnh tranh với gạch thủ công

Thêm một khó khăn nữa, khi dẹp các lò thủ công sẽ dẫn tới nguy cơ khan thiếu vật liệu xây dựng. Trong khi hiện nay, các sản phẩm gạch thay thế như gạch không nung, gạch tuynel lại không thể “đánh” lại được loại gạch truyền thống, nên các lò gạch thủ công càng có thêm đà bám trụ.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tổng sản lượng gạch của các lò gạch nung trên địa bàn gần 2 tỷ viên/năm, trong khi các nhà máy gạch không nung mới chỉ cho ra lò được 125 triệu viên/năm, như thế chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu xây dựng.

Ngoài ra, vào tháng 4-2010 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 567/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020, nhưng theo ông Hà Ngọc Hồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho tới nay các địa phương đều chưa có các nhà máy sản xuất loại vật liệu không nung với quy mô, công suất đủ để đáp ứng nhu cầu xây dựng.

Thậm chí, ngay sau khi có chủ trương xóa sổ lò gạch thủ công để phát triển mạnh gạch tuynel, cho tới nay, mặc dù đã đầu tư gần chục năm nhưng các cơ sở gạch tuynel vẫn hoạt động ì ạch, không mở rộng được. Việc đầu tư xây dựng các lò gạch tuynel mới hầu như “giậm chân tại chỗ” do hai nguyên nhân: quỹ đất thiếu và vốn đầu tư khá lớn (trung bình mỗi lò cần 20-30 tỷ đồng).

Hơn nữa, Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra dự báo tới năm 2015 nguồn nguyên liệu để sản xuất gạch tuynel trên địa bàn Hà Nội cũng sẽ cạn kiệt. Thậm chí đến thời điểm này, hầu như các nhà máy gạch tuynel đều không còn nguồn nguyên liệu tại chỗ mà phải đi mua từ nơi khác về, từ các dự án đào hồ điều hòa, công trình thủy lợi và đất hạ cốt đồng ruộng.

Do giá thành sản xuất cao, người dân lại chưa có thói quen sử dụng nên nhiều nhà máy gạch tuynel đã phải đóng cửa. Còn loại gạch không nung thì 100% công trình đã đầu tư xây dựng xong nhưng lại không thể hoạt động vì sản phẩm còn xa lạ với người mua, giá lại cao hơn loại gạch nung của các lò gạch thủ công. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng không hào hứng nhảy vào đầu tư loại lò không nung như vậy.

Trong khi dự án “Lò gạch liên tục kiểu đứng hiệu suất cao” nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học cũng như người dân trong vùng dự án, nhưng không được sự đồng tình của các nhà quản lý về xây dựng.

Quyết liệt thay lò

Quyết định 115/2001/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ đề cập việc tổ chức lại sản xuất kinh doanh vật liệu xây thủ công ở các địa phương, nhằm giảm tối đa việc sử dụng đất canh tác và xây dựng các lò gạch thủ công không theo quy hoạch, gây ô nhiễm tại các vùng ven đô thị, thành phố, thị xã, thị trấn… tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ở ven các đô thị trước năm 2005 và các khu vực khác trước năm 2010.

Trong khi các chủ lò gạch thủ công và cả chính quyền cơ sở còn đang loay hoay về việc chuyển đổi thế nào, dẹp bỏ lò gạch ra sao thì từ những năm 2000-2001, các nhà khoa học đã đề nghị cho người dân sử dụng loại lò gạch đốt liên tục kiểu đứng của Trung Quốc. Dự án “Lò gạch liên tục kiểu đứng” do Quỹ môi trường LHQ tài trợ, được Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện tại tỉnh Hưng Yên. Theo đó, các lò gạch sẽ được thiết kế thành lò kép (gồm 2 lò đơn chung vách). Loại lò này có thể sản xuất 4 triệu viên gạch mỗi năm, quay vòng liên tục (không có thời gian ngơi nghỉ như lò truyền thống). Theo các chuyên gia, so với lò nung thủ công, lò nung liên lục kiểu đứng tiêu hao năng lượng thấp hơn, thải ít khí hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn. So với lò thủ công, lò kiểu đứng giảm lượng khói thải tới 11,5 lần và lượng tro thải giảm 5 lần. Tính chung, mỗi năm lò liên tục kiểu đứng có công suất 4 triệu viên, tiết kiệm được 75 triệu đồng tiền nhiên liệu so với lò thủ công cùng công suất, đồng thời giảm 462 tấn khí CO2 và 1,62 tấn khí SO2.

Tuy nhiên loại lò kiểu đứng kể trên cũng bị một số chủ lò phản ứng vì họ cho rằng, đầu tư cho mỗi vỏ lò như vậy ít cũng khoảng 400 triệu đồng, trong khi vỏ lò thủ công chỉ tốn vài chục triệu đồng. Thêm nữa, chính các chuyên gia của Bộ Xây dựng cũng từ chối vì nó không nằm trong quy hoạch phát triển đã được phê duyệt. Theo chủ trương, giải pháp để thay thế các lò gạch thủ công phải là lò gạch tuynel với công nghệ hiện đại. Quan điểm của Bộ Xây dựng cho rằng, loại lò kiểu đứng kể trên vẫn tiềm ẩn các nguy cơ nguy hiểm. Chẳng hạn ở tỉnh Hải Dương, sau khi cho triển khai khoảng 120 lò gạch theo mô hình đứng đốt liên tục của Trung Quốc, chỉ sau thời gian, nhiều lò đã có dấu hiệu rạn nứt thân lò và có nguy cơ bị sập. Do đó, buộc phải hướng tới xây dựng loại lò hiện đại, đảm bảo an toàn và không gây độc hại cho môi trường. Nhưng theo nhiều người, để làm được chính quyền các địa phương cần phải quyết liệt.

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục