Những tràng pháo tay không ngớt vang lên khắp khán phòng Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, các vũ công ballet ngôi sao phải cúi chào rất nhiều lần để đáp lại lòng hâm mộ nhiệt thành của khán giả. Đêm Paris Ballet diễn ra vào tối 11-6 là một kỷ niệm khó quên của rất nhiều người yêu mến môn nghệ thuật này.
Để có được một tấm vé vào xem 10 vũ công ngôi sao đến từ các nhà hát nổi tiếng thế giới như Opera de Paris, Nhà hát quốc gia Madrid, San Francisco Ballet… không dễ. Ban tổ chức chỉ bán ra có 500 vé trong tổng số 3.500 vé của khán phòng. Nhưng những người hâm mộ môn nghệ thuật quý tộc đỉnh cao đến từ châu Âu này vẫn có cách để có được một chỗ ngồi để thưởng thức đêm diễn “có một không hai” tại Hà Nội, dù rằng trong khán phòng quá rộng cho ballet, các khán giả ở phía xa và trên tầng 2 đành phải thưởng thức qua 2 màn hình lớn 2 bên sân khấu.
Nhưng họ đã được đền đáp xứng đáng, bởi những gì các nghệ sĩ thể hiện trong đêm Paris Ballet là một thứ ballet thuần khiết nhất mà các vũ đoàn ballet phong cách Pháp nổi tiếng thế giới đã kiên trì để gìn giữ suốt hàng trăm năm nay. Sân khấu mộc mạc, chuẩn mực với 5 lớp rèm và đèn chiếu công suất lớn, tối giản mọi trang trí để dành sự tập trung của khán giả vào trung tâm của sân khấu, đó là các vũ công.
Trên một tấm phông lớn như một tấm toan trắng, các nghệ sĩ mặc sức vẽ nên đêm nghệ thuật của riêng họ bằng cơ thể sinh ra là để dành cho ballet của mình. Có lúc họ là thiên nga với những bước nhảy nhẹ nhõm, bay bổng, có lúc họ là cỏ cây uốn mình theo gió, có lúc họ như những chú cá thần tiên bơi trong lòng đại dương. Từng cú hất chân, từng động tác vươn tay đầy nghệ thuật ngẫu hứng nhưng là thứ nghệ thuật đã được chưng cất từ bao nhiêu năm tháng đổ mồ hôi miệt mài rèn luyện các động tác kỹ thuật trên sàn tập, đã chạm vào trái tim khán giả.
Những trích đoạn ballet đi từ cổ điển đến hiện đại theo trình tự Giselle, Kẹp hạt dẻ, Don Quichotte, In the night, Những đứa trẻ của thiên đường, Vẫn là Carmen, Không, em không tiếc gì, La Parc, Những nhịp đập gián đoạn của trái tim đã cuốn khán giả Hà Nội trong niềm mê say để rồi vỡ òa trong những tràng pháo tay không dứt.
Điều đặc biệt của đêm Paris Ballet là ở chỗ, thay vì các nghệ sĩ múa trên nền nhạc thu âm sẵn trong suốt toàn bộ chương trình như lần nhà hát Nhà hát Talarium Et Lux đến từ nước Nga mang vở Hồ Thiên nga đến Hà Nội hồi tháng 8-2015, đêm diễn tối qua có sự xuất hiện của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam và nghệ sĩ piano nổi tiếng Henri Barda. Múa trên nền nhạc giao hưởng trực tiếp, khán giả được thưởng thức đồng loạt 2 nghệ thuật ballet và thính phòng, đó là những tiêu chuẩn “vàng” mà ballet phong cách Pháp đã làm được trong đêm diễn tại Hà Nội. Những bước chân của nghệ sĩ đã thăng hoa, cảm xúc của khán giả đã thăng hoa trong một mối dây kết nối diệu kỳ từ nghệ thuật múa và âm nhạc.
Một chương trình được biên đạo kỹ, ông Frederic Fontan - Giám đốc nghệ thuật của đêm diễn đã lựa chọn những trích đoạn đặc sắc nhất trong các vở ballet kinh điển và hiện đại của nước Pháp để “khoe” với khán giả Hà Nội những viên ngọc sáng giá của mình. Khán giả đã bị mê hoặc, quyến rũ và chinh phục bởi kỹ thuật điêu luyện, cảm xúc tinh tế và không gian sang trọng của đêm diễn. Có những lúc khán phòng lặng đi, chỉ còn âm nhạc bao phủ một bầu không khí mịn như nhung, và bước nhảy, đôi tay của những vũ công như những thiên thần dìu cảm xúc khán giả đến những trạng thái phiêu du, bay bổng.
Một cảnh diễn ballet trong đêm nghệ thuật Paris Ballet tại Hà Nội
Không phải ai cũng có cái duyên được xem cùng lúc nhiều vũ công ngôi sao đến thế trong một chương trình. Trong các vũ công đến Hà Nội tối 11-6, có người những được mệnh danh là “báu vật của nước Pháp” như Agnes Letestu, Mathilde Froustey, Audric Bezard, Florian Magnenet… đã đem đến Hà Nội một không gian ballet Pháp thuần khiết. Họ kể cho khán giả nghe những câu chuyện giàu cảm xúc bằng thứ ngôn ngữ được tạo hình bằng chính cơ thể mình, bởi vậy nó đi thẳng từ trái tim đến trái tim.
Ballet Pháp đã chiếm trọn trái tim và cảm tình của khán giả Hà Nội, các nghệ sĩ đã chinh phục khán giả Hà Nội khi đem đến một món quà vô giá từ phong cách nghệ thuật chuẩn mực mà họ đã dày công gìn giữ hàng trăm năm nay. Bên cạnh những bước nhảy cổ điển chuẩn mực, các nghệ sĩ còn gây ấn tượng với những trích đoạn ballet hiện đại đầy cá tính mà vẫn vô cùng quyến rũ như màn múa đôi Những nhịp đập gián đoạn của trái tim, Lại là Carmen, Không, em không tiếc gì…
Để có những phút giây thăng hoa ngắn ngủi trong đêm diễn là biết bao giọt mồ hôi đã đổ xuống trên sàn tập, là những chấn thương mà các vũ công rất dễ gặp phải khi thực hiện các động tác kỹ thuật khó như bưng, fouette xoay liên tục 32 vòng, những cú đứng, nhảy và di chuyển bằng mũi chân… Nhưng họ đã vượt qua tất cả những khó khăn ấy, để đem đến Hà Nội một buổi tối tràn ngập không khí nghệ thuật đỉnh cao, nơi chỉ có âm nhạc và múa lên ngôi, dẫn dắt cảm xúc người xem tới thiên đường đẹp đẽ.
MAI AN