Đến hẹn lại... thiếu giáo viên

Năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tuyển dụng giáo viên trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện của TPHCM diễn ra trễ hơn so với mọi năm. Thời điểm hiện tại, một số địa phương đã hoàn tất tuyển dụng nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn tái diễn.   
Đến hẹn lại... thiếu giáo viên

Mới đáp ứng 50% nhu cầu 

Kết quả tuyển dụng viên chức năm học 2021-2022 do UBND quận 1 vừa công bố, cả 3 bậc học gồm mầm non, tiểu học và THCS đều có tỷ lệ ứng viên trúng tuyển chưa đến 40%. Cụ thể, bậc mầm non chỉ tuyển được 18 giáo viên trên tổng số 53 chỉ tiêu tuyển dụng (tỷ lệ 33,9%), bậc tiểu học có 30 ứng viên trúng tuyển trên tổng số 94 chỉ tiêu (31,9%), bậc THCS có 18 ứng viên trúng tuyển trên tổng số 51 chỉ tiêu (35,2%). Riêng các vị trí nhân viên (gồm công nghệ thông tin, thiết bị thí nghiệm, kế toán, thủ quỹ, thư viện, văn thư và y tế), chỉ tiêu 82 nhưng chỉ có 35 ứng viên trúng tuyển, tỷ lệ chưa đến 43%. Phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1 cho biết, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra liên tục trong vài năm trở lại đây. “Năm nào chúng tôi cũng phải sắp xếp lại đơn vị lớp, hợp đồng thêm giáo viên thỉnh giảng để đáp ứng nhu cầu giảng dạy của đơn vị”, vị hiệu phó cho biết.

Trước đó, cuối tháng 3, UBND quận 7 đã công nhận kết quả tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo năm học 2021-2022. Theo đó, có 65 người trúng tuyển gồm 36 giáo viên tiểu học, 21 giáo viên THCS và 8 giáo viên hệ giáo dục thường xuyên.

Như vậy, so với 143 chỉ tiêu tuyển dụng ở các bậc học, số ứng viên trúng tuyển chưa đến 50%; trong đó bậc tiểu học chiếm tỷ lệ cao nhất với 46,7% ứng viên trúng tuyển. Tương tự, ở quận 12, năm học 2021-2022 có nhu cầu tuyển mới 240 giáo viên và 24 nhân viên ở các bậc học. Tuy nhiên, kết quả tuyển dụng viên chức công bố chỉ có 140 ứng viên trúng tuyển, trong đó bậc mầm non còn thiếu 24 giáo viên, bậc tiểu học và THCS thiếu 40 giáo viên ở mỗi bậc học.   

Ứng viên tham gia tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm học 2020-2021 tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa

Hiện tại, phòng GD-ĐT quận 4 đang tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển viên chức năm 2022. Tính đến chiều 27-4, bậc mầm non chưa có hồ sơ dự tuyển vị trí giáo viên, bậc tiểu học chỉ 8 hồ sơ đăng ký trên 50 chỉ tiêu tuyển dụng, bậc THCS có 11 hồ sơ đăng ký trên 20 chỉ tiêu tuyển dụng. Thời gian tiếp nhận hồ sơ kéo dài đến giữa tháng 5-2022 nhưng theo một cán bộ phụ trách nhập liệu, khó xảy ra tình trạng đột biến về hồ sơ đăng ký, một số vị trí dự báo không đủ nguồn tuyển. 

Nới rộng yêu cầu tuyển dụng giáo viên

Thiếu giáo viên là bài toán kéo dài nhiều năm qua với các trường học trên địa bàn TPHCM. Từ năm học 2017-2018, TPHCM bỏ quy định ứng viên dự tuyển phải có hộ khẩu thường trú tại TPHCM. Dù quy định được nới lỏng nhưng một số môn học như Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật vẫn thiếu nguồn tuyển.

Giải quyết khó khăn này, mới đây, UBND TPHCM đã có văn bản đề xuất Bộ GD-ĐT cho phép ứng viên có bằng cử nhân (cao đẳng hoặc đại học) chuyên ngành phù hợp các môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ 2 (tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp...) chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, chưa tham gia giảng dạy tại cơ sở giáo dục phổ thông được tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các cơ sở giáo dục. Các ứng viên này cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong vòng 12 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy. Đây được xem là một trong những hướng mở nhằm gia tăng nguồn tuyển giáo viên, giải quyết tạm thời bài toán thiếu giáo viên. 

Về phía các trường sư phạm, TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết, tới đây trường đẩy mạnh đào tạo theo đặt hàng của địa phương với các ngành ưu tiên như Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học và một số ngành đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 như Sư phạm tin học, Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Giáo dục công dân, Mỹ thuật và Âm nhạc. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, công tác đào tạo ở các trường sư phạm chỉ là điều kiện cần, về lâu dài muốn ổn định nguồn tuyển giáo viên cần có quy định về chế độ, chính sách để giữ chân người giỏi, nhất là ở các môn học đặc thù, tránh tình trạng chảy máu chất xám sang các loại hình dịch vụ, hệ thống ngoài công lập. Theo PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn, trong bối cảnh thiếu giáo viên dạy các môn Mỹ thuật và Âm nhạc, địa phương có thể nghiên cứu phương án tuyển dụng giáo viên liên trường (một giáo viên dạy nhiều trường) đáp ứng tạm thời nhu cầu giảng dạy môn năng khiếu ở các trường học.

Trước tình trạng thiếu giáo viên, Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị các quận, huyện xây dựng phương án giải quyết ở từng bậc học phù hợp từng đối tượng học sinh. Trong đó, địa phương có thể điều chuyển giáo viên nơi thừa sang nơi thiếu, đặt hàng cơ sở đào tạo văn bằng 2 với những giáo viên còn độ tuổi công tác, có năng lực và nguyện vọng phù hợp nhu cầu giảng dạy thực tế các môn học. Các giáo viên do sức khỏe, độ tuổi không đảm bảo yêu cầu giảng dạy, nhà trường xem xét điều chuyển từ giáo viên sang nhân viên trường học (thiết bị - thí nghiệm, thư viện…) hoặc bố trí nghỉ hưu sớm theo quy định.

Tin cùng chuyên mục