
Lần đầu tiên đến Sapa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh núi non hùng vĩ, không khí nơi đây khí thật mát mẻ, khác hẳn với cái nóng hầm hập của Hà Nội trong những ngày đầu hè.
Một điều gây ấn tượng nữa đối với chúng tôi là “đặc sản” từ các vị thuốc đông y. Khắp nơi, tràn ngập cửa hàng, cửa hiệu buôn bán các loại cây, lá, củ quả sử dụng trong đông y. Những người dân tộc thiểu số ở đây rất thân thiện với du khách và đặc biệt hơn không có hiện tượng chèo kéo, ép buộc khách mua hàng. Khách hàng có thể xem hàng, trả giá rồi không mua vẫn nhận được nụ cười của người bán. Qua tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết tình hình an ninh ở Sapa cũng rất tốt, hầu như không có hiện tượng cướp bóc, trộm cắp.

Niêm yết công khai giá xe ôm ở Sapa.
Nhưng điểm đặc biệt nhất khiến du khách rất hài lòng đó sự công khai giá cả. Ở Sapa, tất cả các loại hình dịch vụ, món ăn như: Giá xe ôm từ thị trấn đến bến xe và các điểm tham quan đều được niêm yết công khai; giá tại các nhà hàng, khách sạn… đều được niêm yết công khai ngay từ bên ngoài để du khách lựa chọn (xem xong không vào cũng chẳng sao vì còn đứng ngoài đường). Hơn nữa, dưới các biển thông báo công khai giá cả đều có ghi rõ số điện thoại của chủ tịch UBND, trưởng công an thị trấn. Ở những nơi đông người tới cũng dễ nhận thấy các biển thông báo các số điện thoại này. Vì vậy, ở Sapa chỉ có “thuận mua, vừa bán” và hầu như không có hiện tượng “chặt, chém” làm mất lòng du khách. Đây cũng chính là điểm khác biệt của Sapa so với các nơi tham quan, du lịch khác trong nước mà chúng tôi đã đến.
Thiết nghĩ, trong khi nạn “chặt chém” vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương có danh lam thắng cảnh, khiến du khách “một đi không trở lại” thì lãnh đạo các địa phương này cần học hỏi cách làm của Sapa.
THANH TÙNG