Đi du lịch và… làm sạch môi trường

“Đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh. Đừng để lại gì ngoài những dấu chân” là thông điệp có thể bắt gặp ở nhiều địa điểm du lịch. Nhiều nơi vắng bóng rác thải nhờ sự chung tay, góp sức của những người yêu du lịch và mê… nhặt rác.
Trần Việt Dương và nhiều bạn trẻ thường xuyên tham gia các tour du lịch dọn rác
Trần Việt Dương và nhiều bạn trẻ thường xuyên tham gia các tour du lịch dọn rác

Dọn rác đón sinh nhật

“Việc này xuất phát vào tháng 4-2018, cũng là tháng sinh nhật tôi. Thay vì tổ chức sinh nhật, tôi tổ chức đi dọn rác để kỷ niệm tuổi mới của mình”, là chia sẻ của Trần Việt Dương (Đồng Nai). Việt Dương vốn là người mê đi đây đó, thích ngắm cảnh và yêu thiên nhiên, nên khi thấy rác ở các thắng cảnh đẹp là anh muốn làm gì đó để người đến sau và chính anh có thể tận hưởng phong cảnh đó. Trong quá trình thực hiện, Dương gặp những người bạn cùng chung suy nghĩ, hành động nên hàng năm thường tổ chức 1-2 đợt dọn rác. Tính đến nay Việt Dương đã có 4 chuyến đi du lịch kết hợp dọn rác tại núi Chứa Chan (Đồng Nai), 1 lần dọn rác tại vịnh Vĩnh Hy, 1 lần ở hồ Trị An, cùng vài lần đi dọn rác một mình. Ban đầu, Dương lên kế hoạch dọn rác trên núi Chứa Chan 2 ngày 16 và 17-4 nhưng vì một số lý do hoạt động này được dời sang tháng 5 cùng chuyến đi dọn rác tại vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận). 

Vì yêu thiên nhiên nên Bạch Quyền (hiện làm nghề mộc, ngụ Đồng Nai) thường xuyên tham gia các tour du lịch kết hợp dọn rác. “Thấy phong cảnh đẹp bị phá hoại vì rác, tôi không đành lòng. Mỗi chuyến đi như vậy, dọn rác làm sạch thiên nhiên là chính, du lịch chỉ là phụ. Dù biết sức của một vài cá nhân là nhỏ bé, nhưng không thể làm ngơ”, anh chia sẻ. Tham gia dọn rác thường xuyên tại đảo Phú Quý (Bình Thuận) vừa là ý thức vừa là trách nhiệm với một người làm nghề hướng dẫn viên du lịch địa phương như Nguyễn Văn Giỏi. Anh bộc bạch: “Tôi làm du lịch theo hướng bền vững nên mong muốn đảo Phú Quý phát triển bền vững. Rác thải từ đại dương là vấn đề mà các đảo thường gặp. Giờ người dân Phú Quý không còn xả rác nhưng đại dương còn nhiều rác thải từ mọi nơi trôi vào. Đó là điều những người làm du lịch như chúng tôi trăn trở”. Anh Giỏi cho biết, ngoài tham gia hoạt động dọn rác của chính quyền địa phương, anh em làm du lịch cũng tự đứng ra tổ chức hoạt động này từ năm 2018. Địa điểm chính là Hòn Tranh - điểm du lịch nổi tiếng ở Phú Quý bị ảnh hưởng không nhỏ bởi rác thải.  

Vượt khó

Theo nhóm Yêu biển (một dự án du lịch biển kết hợp bảo vệ môi trường biển tại Việt Nam), phải đi làm sạch rác tại nhiều địa điểm mới thấy còn không ít tồn tại, hạn chế. Không chỉ xả rác, nhiều người còn tìm cách giấu rác. Do tâm lý xấu hổ khi bị người khác phát hiện nên nhiều rác thải như bịch ni lông, chai nhựa, vỏ kẹo bánh... được giấu trong lùm cây, vách đá, bụi cỏ... Vì vậy, nhóm phải vất vả hơn để gắp nhặt rác từ những nơi này.  

Chọn hoạt động leo núi dọn rác nên theo Việt Dương, khó khăn càng lớn hơn. “Việc thực hiện ở địa hình hiểm trở rất nguy hiểm, tiêu hao rất nhiều sức lực của các bạn, bởi sau đó, phải xử lý và khiêng vác rác thải xuống núi theo đường bộ. Nhiều rác thải để lâu bốc mùi rất khó chịu, khiến các bạn cũng ái ngại”. Theo Việt Dương, khi mang rác xuống chân núi, nhóm còn tìm nơi tập kết rác và gửi 1 phần chi phí để xe rác xử lý. Nhóm cũng tiến hành phân loại chai nhựa, lon nước để cho hay bán lại. Trong khi đó, khi việc dọn rác dần đi vào quy củ như ở đảo Phú Quý, theo Nguyễn Văn Giỏi, cái khó hơn cả là thiếu thùng rác nơi công cộng cho du khách.

Thực tế, không ít bạn trẻ chọn đi du lịch kết hợp nhặt rác gặp phải những ý kiến như “nhặt rồi người ta cũng xả”. Cách Việt Dương thực hiện mỗi ngày là không lên án bất cứ ai, cứ làm, chia sẻ những hình ảnh đẹp để lan tỏa. Hay như chia sẻ của nhóm Yêu biển - “bạn không thể ngăn cấm người khác xả rác nhưng biết đâu những hành động làm sạch môi trường của bạn sẽ tác động tích cực đến họ”. 

Việc tham gia dọn rác của mỗi cá nhân hay hội nhóm là hành động “góp gió thành bão” để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, nhưng mỗi người còn mong muốn làm được nhiều hơn thế. Nguyễn Văn Giỏi đề xuất nên đánh thuế vệ sinh từ khi mua vé tàu để khách du lịch có ý thức không xả rác khi đến Phú Quý; còn Việt Dương và Bạch Quyền mong muốn việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sẽ ngày càng được chú trọng hơn trong trường học. Hay nói ngắn gọn như thông điệp có trên nhiều tấm biển tại các địa điểm du lịch của nhóm Yêu biển: “Nếu không dọn rác, xin đừng xả rác”.

“Sức người đi nhặt rác có hạn còn người thải rác thì vô hạn, nhưng không phải vì thế mà nản. Miễn mình còn khả năng làm việc này hãy cứ làm, những hành động tốt đẹp sẽ được lan tỏa mạnh mẽ bằng nhiều cách khác nhau. Khi đó, sẽ lại có nhiều nhóm tình nguyện khác cùng chung tay góp sức để nhặt rác bảo vệ môi trường”, Bạch Quyền chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục