Dịch vụ giao hàng âm thầm tăng giá

Qua Đường dây nóng Báo SGGP, thời gian gần đây, nhiều người dân phản ánh cước dịch vụ giao hàng của các đơn vị tăng giá chóng mặt, nhất là từ khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16. 
Nhân viên giao hàng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nhân viên giao hàng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Một số người dân sống trong các khu vực phong tỏa, cách ly y tế do không thể ra ngoài để mua các nhu yếu phẩm thiết yếu nên bấm bụng chấp nhận giá cước cao để đặt dịch vụ giao hàng.

Chị Trần Thị Cúc (ngụ đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) phản ánh: “Hẻm tôi bị giăng dây phong tỏa bất ngờ, gia đình không kịp chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết. Cứ 3 ngày một lần, gia đình phải đặt thực phẩm thông qua các đơn vị giao hàng nhưng cước phí giao hàng quá cao so với ngày bình thường, thậm chí cao gấp đôi. Có hôm bó rau chỉ 30.000 đồng nhưng phí giao hàng lên đến 60.000 đồng”.

Còn chị Võ Hoàng Yến (ngụ quận Tân Phú) cho biết, gia đình ở quê gửi thực phẩm vào Bến xe miền Đông nhưng do giãn cách xã hội nên không thể đi lấy, phải nhờ dịch vụ giao hàng của một hãng công nghệ. “Tôi khá bất ngờ vì ngày thường phí dịch vụ chỉ khoảng 50.000-60.000 đồng, nay tăng lên hơn 100.000 đồng”, chị Yến bức xúc. 

Để kiểm chứng, ngày 24-7, phóng viên thử đặt dịch vụ giao hàng của 4 đơn vị là Grab, Ahamove, Be, Gojet, bắt đầu từ đường Thống Nhất (quận Gò Vấp) đến Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh). Ghi nhận cho thấy giá cước của các đơn vị giao hàng đều tăng, có sự chênh lệch giá giữa các hãng.

Theo đó, cao nhất là Grab với cước phí 88.000 đồng, Ahamove là 70.000 đồng, Be là 55.000 đồng và Gojet là 45.000 đồng.

Việc tăng giá cước dịch vụ giao hàng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng dịch vụ mà cũng khiến nhiều người người bán hàng gặp cảnh buôn bán ế ẩm. Anh Hoàng Trọng Nhân (buôn bán rau củ quả tại quận 12) cho biết, từ khi thực hiện Chỉ thị 16, gia đình chuyển qua bán online; tuy nhiên, vì phí dịch vụ giao hàng cao nên đôi khi anh phải chấp nhận bù lỗ, trả luôn tiền phí để giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn hoặc nằm trong khu phong tỏa.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhân viên giao hàng được coi là dịch vụ thiết yếu để đảm bảo cung cấp lương thực thực phẩm, góp phần hạn chế việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, thời điểm này các công ty giao hàng tăng giá là không hợp lý, chưa có sự đồng cảm, chia sẻ khó khăn với người dân.

Tin cùng chuyên mục