Điểm mốc và nội lực

Gần 40 năm trước, từ những bức bách của cuộc sống, trong tình hình chính sách kinh tế và điều kiện hạ tầng kỹ thuật chưa bảo đảm, những mô hình kinh tế nhỏ lẻ, tự phát với tên gọi “phá rào”, “thí điểm” tại thành phố mang tên Bác được ra đời.

Với chính sách kinh tế xóa dần “quan liêu, bao cấp”, TPHCM nhanh nhạy đề ra chiến lược hướng vào xuất khẩu bằng việc thí điểm xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận (năm 1991) và Linh Trung (năm 1992) mang tính tập trung cao. Về sau nó được pháp chế hóa về một trong những mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đầu tiên của cả nước sau ngày thống nhất.

Cùng thời điểm này, xu hướng xã hội hóa hoạt động biểu diễn văn hóa - nghệ thuật mang lại một làn gió mới, khai phóng sức sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ đi cùng hiện tượng nở rộ mô hình các sân khấu kịch được định vị bởi thương hiệu nghệ sĩ như 5B Võ Văn Tần, IDECAF, Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh… Đây là 2 trong nhiều ví dụ cho thấy, khi chính sách điều hành và quản trị của nhà nước kịp nắm bắt, có dự báo, dẫn dắt chính xác, sẽ mang lại kết quả phát triển, thay đổi lớp nghĩ - cách làm.

Giờ đây, khi Trung ương bắt đầu tổ chức tổng kết 40 năm công cuộc đổi mới, trong sứ mệnh chung của quốc gia, TPHCM cũng đứng trước một điểm mốc chuyển mình để phát triển lên giai đoạn mới, trong điều kiện nhiều thách thức hơn cả ở phạm vi toàn cầu - khu vực, trong xu thế đa cực - phân tuyến ngày một phức tạp…

Các điều kiện tự nhiên đang thay đổi với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; những dư địa phát triển dần hạn hẹp với dân số tăng cao và hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ; những vấn đề về chính quyền đô thị quản lý bộ máy cần các giải pháp cụ thể, quyết liệt. Một cách nào đó, những bước chuyển bộ trong 2 năm qua mang tính quyết định của thành phố đã và đang cho thấy tính phù hợp, cả về lý lẽ “thuận thiên” lẫn năng lực tính toán nhằm tái cấu trúc, tích tụ “kháng thể” con người - xã hội sau cơn đại dịch Covid-19.

Với vai trò trọng yếu địa - kinh tế của vùng, lớp đệm “bọt biển” TPHCM vừa là điểm chuyển tiếp vừa là nơi hợp lưu của các dòng chảy sinh thái tự nhiên - kinh tế của một khu vực có sức sinh lợi lớn nhất cả nước. Từ đó, thành phố thu hút nguồn nhân lực từ mọi nơi thông qua chiến lược xây dựng từng cụm ngành kinh tế về dịch vụ, thương mại, đổi mới sáng tạo của vùng bát giác gồm TPHCM, tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang

Năng lực kinh tế tập trung cao tiếp tục được phát huy nhưng thành phố đã ở một “bảng phân vai” khác, với lợi thế cạnh tranh là chất lượng nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và khả năng tiếp cận hạ tầng logistics chiến lược. Một trong những điểm nhấn mới hiện nay là TPHCM dựa trên 4 đặc trưng về văn hóa, sinh thái, sáng tạo, giao thông công cộng đã kiến tạo những trục đô thị khác nhau, gắn các trọng điểm đô thị. Đặc biệt là các không gian mang tính biểu tượng với mạng lưới sông ngòi kênh rạch, biến cấu trúc hạ tầng xanh trở thành những hành lang kinh tế trọng yếu.

Tất nhiên, để hiện thực hóa tất cả chiến lược phát triển nói trên, điều kiện tiên quyết chính là tiến hành cuộc cải cách mạnh mẽ nền hành chính - tài chính công và thúc đẩy hình thành các định chế công phi lợi nhuận. TPHCM đã và đang được tháo gỡ nhiều vướng mắc, bước đầu với Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, với Nghị quyết về chính quyền đô thị, với Thủ Đức - mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong năm 2024, 3 vấn đề thể chế - chính sách quan trọng khác tiếp tục được đặt lên nghị trình của quốc gia, đó là: Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM; phát triển hệ thống đường sắt đô thị; cơ chế phát triển và điều phối vùng Đông Nam bộ. Đây là cơ sở của các thể chế mang tính quyết định cho tương lai phát triển của TPHCM.

Khi những “thí điểm” nói trên đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả thì hệ sinh thái cho doanh nghiệp phát triển theo đó cũng được xác lập, bảo vệ, phát triển. Như từ những phát kiến ban đầu, các thí điểm những năm sau đó về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần đại chúng niêm yết trên thị trường chứng khoán; thí điểm chủ trương đổi đất lấy hạ tầng giải quyết bài toán phát triển đô thị đã cho ra đời khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng…, đã trở thành điểm mốc quan trọng cho toàn bộ quá trình cải cách kinh tế. Tất cả vì một mục tiêu phát triển TPHCM, phục vụ người dân, đóng góp vào nội lực quốc gia, trong quá khứ, hiện tại và tương lai!

Tin cùng chuyên mục