
Hôm nay, 8-10, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức công bố Nghị định 112 của Chính phủ thành lập thành phố Quảng Ngãi trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Báo SGGP đã phỏng vấn ông Lê Mỹ Liên, Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi, xung quanh sự kiện này.

Trung tâm thành phố Quảng Ngãi.
- P.V: Xin ông cho biết đôi nét về tiền thân của TP Quảng Ngãi?
- Ông LÊ MỸ LIÊN: Theo sử chép, năm 1807 nhà Nguyễn thành lập tỉnh Quảng Ngãi tại xã Chánh Mông thuộc huyện Chương Nghĩa (phía Nam TP Quảng Ngãi bây giờ). Đến năm 1896, đường xuyên Việt chạy qua, xã Chánh Mông đổi tên là xã Chánh Lộ. Người Pháp đặt tỉnh thành và vùng phụ cận phía Tây là Chánh Lộ phố, được gọi là vùng trung tâm thị trấn.
Chánh Lộ phố có hai phường: Bắc Lộ phường và Nam Lộ phường; đến năm 1929 mở rộng lên ngã ba Thu Lộ, thành lập thêm Thu Lộ phường. Trên bản đồ hành chính lúc ấy ghi là “Ville de Quang Ngai” (thành phố Quảng Ngãi). Đây là hình hài vóc dáng đô thị đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi.
- Quảng Ngãi đã chuẩn bị gì cho một thành phố trẻ, thưa ông?
- 5 năm qua, Quảng Ngãi đã đầu tư trên 1.010 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng; trong đó làm mới 18 tuyến đường với tổng chiều dài 38 km; hoàn thành và đưa vào sử dụng trung tâm chính trị, vườn hoa Ba Tơ. Đang gấp rút hoàn thành công viên Thiên Bút, Bảo tàng tổng hợp tỉnh và Bệnh viện đa khoa tỉnh… Trong tương lai, TP Quảng Ngãi sẽ có thêm cầu cao tốc trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, có trường đại học mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng…
- Thưa ông, TP Quảng Ngãi sẽ có nét riêng gì để tạo điểm nhấn?
- Trước mắt, TP Quảng Ngãi sẽ khắc phục một số hạn chế và bất cập về việc xây dựng các dự án để xứng đáng là đô thị loại 3. Bước tiếp theo sẽ lấy núi Ấn - sông Trà làm trung tâm để quy hoạch đô thị. Bởi theo Nghị định 112 của Chính phủ, TP Quảng Ngãi được mở rộng sang phía Bắc sông Trà, giáp huyện Bình Sơn, nơi có Khu kinh tế Dung Quất. Khi đó, sông Trà sẽ nằm giữa lòng TP Quảng Ngãi như một dải lụa và phía Đông TP Quảng Ngãi sẽ như một cánh tay ôm trọn núi Ấn.
- Xin ông cho biết mục tiêu kế tiếp của TP Quảng Ngãi?
- Tăng tốc độ giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu từ 22% đến 23%/năm. Trong đó, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản tăng 27% - 27,5%; thương mại - dịch vụ tăng bình quân 20% - 21%; nông nghiệp tăng 5,5% - 6%. Chú trọng giáo dục, văn hóa; củng cố quốc phòng - an ninh… xứng đáng là trung tâm kinh tế - chính trị và văn hóa - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi, phấn đấu đến cuối năm 2010 đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại 2.
- Xin cảm ơn ông.
HÀ MINH thực hiện