Điểm tựa gia đình

Lội ngược dòng
Điểm tựa gia đình

Chị từng sống lầm lạc nhiều năm trời cho đến một ngày bị bắt khi đang hành nghề. Bạn bè không có, mọi người khinh khi, xa lánh, chỉ còn người mẹ già là trọn tình thăm nom, động viên đứa con gái lầm đường lạc lối của mình. Chị như tỉnh cơn mê. Khi các chị ở Hội LHPN phường Cô Giang, quận 1, động viên tham gia nhóm tuyên truyền viên về phòng chống AIDS của phường, chị đồng ý ngay.

Lần đầu tiên cầm vài trăm ngàn bồi dưỡng và những món quà đường sữa, bột ngọt phường tặng sau tháng làm việc đầu tiên, chị bật khóc nức nở như đứa trẻ. Nhớ lại thời điểm 16 năm trước, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, tuyên truyền viên về phòng chống AIDS của Hội LHPN phường Cô Giang và của quận 1 xúc động: “Tình yêu của mẹ và các chị trong hội đã tái sinh cuộc đời tôi…”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (trái) tuyên truyền về nguy cơ lây nhiễm khi quan hệ tình dục…

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (trái) tuyên truyền về nguy cơ lây nhiễm khi quan hệ tình dục…

Lội ngược dòng

Mỗi lần nhắc nhớ về quá khứ đen tối ngày nào, cảm giác buốt đau vẫn ùa về làm chị Hạnh nghẹt thở. Chị dẫn tôi trở về những hàng cây, con phố ở các khu vực được coi là điểm nóng của TP về tệ nạn, dù nơi ấy với chị chứa đầy những kỷ niệm buồn. Chị bảo: “Đi như thế để bạn cảm nhận được tôi đã từng sống và phí phạm đời mình đến nhường nào”.

Ngày trở về từ trại giam là ngày chị Hạnh tưởng đời mình là dấu chấm hết, nhan sắc một thời như đóa hoa úa màu. Nếu không có vòng tay yêu thương của người mẹ già và sự chia sẻ của những hội viên phụ nữ phường Cô Giang, quận 1, chị Hạnh cũng không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu. Các chị ở hội phụ nữ phường đã đến với chị bằng tất cả sự cảm thông khi thường xuyên đến nhà thăm hỏi, dẫn chị tham gia các khóa học xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập với cuộc sống…

Công việc của một nhân viên tiếp cận cộng đồng đã mở ra một lăng kính mới cho cuộc đời của chị. “Cứ thế, tôi đã từng bước xây dựng lại tương lai của mình. Giờ tôi là đồng nghiệp của mọi người, cuộc sống còn khó khăn nhưng mẹ tôi vui lắm. Tôi hạnh phúc vì điều đó” - chị Hạnh tâm sự. Là một thành viên nhóm giáo dục viên đồng đẳng, “địa bàn” hoạt động của chị giờ là các công viên 23-9, Lê Văn Tám, Tao Đàn, đường Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, dốc cầu Thị Nghè, khu vực gần Bệnh viện Từ Dũ…

Chị làm nhiều việc mà không phải ai cũng dám làm: Phát bao cao su miễn phí; gặp gỡ, tuyên truyền gái mại dâm về các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm và bị lây nhiễm khi quan hệ tình dục, sử dụng ma túy; tình nguyện chở các đối tượng đến các trung tâm y tế dự phòng xét nghiệm bệnh… Chị nhớ không hết đã từng giúp bao nhiêu chị em hoàn lương trong 16 năm qua, chỉ biết rằng mỗi lần đi qua các địa bàn, không thấy bóng dáng các chị em đó “hoạt động” một thời gian dài liên tục là chị lại bùng lên tia hy vọng: Những cô gái trẻ ấy đã hoàn lương!

Nhưng công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chị kể: “Gặp chủ chăn dắt gái mà mình cứ nói toàn chuyện lây nhiễm bệnh này kia nên người ta khó chịu, nghĩ mình chỉ điểm để bắt người. Khách mua hoa thấy mình lân la ngoài đường lại tưởng mình là gái, gặp người quen thì họ hiểu nhầm quay lưng khinh bỉ… Những chuyện đó tôi chỉ biết về khóc với mẹ, với mấy cô trong hội phụ nữ. Vậy mà cũng vượt qua hết” - chị Hạnh kể lại ở hội nghị tuyên dương gương điển hình dân vận khéo của Hội LHPN TP mới đây.

Lan tỏa

Từ tấm gương của mẹ, con gái và con rể chị cũng lần lượt làm theo công việc của mẹ. Hiện, ba mẹ con chị cùng làm việc tại Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng của Trung tâm Y tế dự phòng quận 1. Ngọc Dung, con gái chị Hạnh cũng rất nhiệt tình với công việc này. Hàng ngày, hai mẹ con chị đến các địa bàn nóng để tiếp cận, thuyết phục, vận động đối tượng. 15 tuổi, Dung đã làm cộng tác viên tham vấn cộng đồng... Trong quá trình tham vấn cho các đối tượng, Dung đã cảm hóa được một thanh niên nghiện ma túy và họ cùng nhau xây đắp cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Chị Hạnh đang ở cùng đứa con trai 10 tuổi ở phường An Lợi Đông, quận 2. Với đồng lương giáo dục viên đồng đẳng, chị vừa phải nuôi con ăn học, nuôi mẹ già bại liệt bởi bệnh tai biến mạch máu não, vừa gói ghém trả tiền thuê nhà. Thiếu trước hụt sau nhưng gia đình nhỏ của chị không thiếu những tiếng cười và sự lạc quan.

Chị Hạnh không giấu được sự tự hào khi các con ngoan ngoãn, hiểu biết, thông cảm cho mẹ. Chị tâm sự: Công việc này đã giúp tôi nhận ra chân lý của một cuộc sống lành mạnh nhiều ý nghĩa, giúp tôi có thêm tự hào để kể cho đứa con trai nhỏ nghe về những đóng góp thầm lặng của mẹ trong việc mang lại sự bình yên nho nhỏ ở một góc phố nào đó.

Trải qua một hành trình dài, chị vẫn tin một điều chắc chắn: Cánh cửa cuộc đời không bao giờ đóng chặt trước những người lầm lỡ. Chị tin như vậy và cố gắng truyền niềm tin đó cho những cô gái lầm lỡ khác với một mong mỏi cháy bỏng: Từ sự động viên chia sẻ nhỏ bé của mình, bên cạnh điểm tựa của gia đình, sẽ có ngày càng nhiều hơn những cô gái trẻ đang phung phí cuộc sống biết lội ngược dòng, làm lại cuộc đời, sống có ích cho mình và cho xã hội.

Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục