Điện ảnh Việt Nam - Nhìn lại để tiến xa hơn

Tuần qua, tại Hà Nội, TS Ngô Phương Lan đã ra mắt tác phẩm lý luận phê bình điện ảnh mới nhất của mình với nhan đề Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập. Đây được xem là một công trình hiếm hoi nhìn nhận tổng quan 30 năm đổi mới của nền điện ảnh Việt Nam với đầy đủ những thăng trầm và cả cái nhìn về tương lai.

Tái hiện giai đoạn sôi động của điện ảnh Việt

Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập chia thành 2 phần, trong đó phần đầu tập trung khái quát về những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu 30 năm qua. Đáng chú ý là bên cạnh việc thể hiện theo phong cách lý luận phê bình, tác giả đã lồng ghép cả những vấn đề liên quan đến công tác quản lý, phản ứng của dư luận, xã hội đối với những tác phẩm này, giúp người đọc hiểu thêm về những điều đã diễn ra, những tác động đến tác phẩm, đạo diễn và những ảnh hưởng của tác phẩm đó đến những tác phẩm ra đời sau.

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh và các văn nghệ sĩ chúc mừng TS Ngô Phương Lan ra mắt tác phẩm mới

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh và các văn nghệ sĩ chúc mừng TS Ngô Phương Lan ra mắt tác phẩm mới

Những bộ phim được nhắc đến đều rất nổi tiếng và ghi dấu một giai đoạn sôi động của điện ảnh nước nhà như: Tướng về hưu, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi, Thị trấn yên tĩnh, Thằng Bờm, Gánh xiếc rong, Chung cư, Mê Thảo thời vang bóng, Ai xuôi vạn lý, Chiếc chìa khóa vàng, Hãy tha thứ cho em, Ngã ba Đồng Lộc, Bến không chồng, Vị đắng tình yêu, Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Trăng nơi đáy giếng, Cỏ lau, Những người thợ xẻ, Mùa len trâu, Thời xa vắng, Sống trong sợ hãi, Chơi vơi, Vào Nam ra Bắc, Chuyện của Pao

Phần 2 cuốn sách gồm những bài tiểu luận phản ánh những suy nghĩ của tác giả về quá trình phát triển, những vấn đề thăng trầm của điện ảnh Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Trong đó, tác giả dành nhiều bài viết để trình bày những bài học kinh nghiệm, ý tưởng của mình về việc làm sao để phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cũng như ở phần 1, với nhiều vai trò từ quản lý đến nhà phê bình, cách trình bày của TS Ngô Phương Lan tiếp tục thể hiện sự đa chiều khi một mặt chỉ rõ những thách thức, khó khăn của điện ảnh, mặt khác cũng nêu bật những ưu điểm riêng của điện ảnh trong nước. Tác giả cũng cho thấy khát vọng khi nhiều lần nhấn mạnh mục tiêu xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam mạnh mẽ để hỗ trợ quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Cái nhìn của người trong cuộc

Đánh giá về tác phẩm, nhiều ý kiến ghi nhận Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập là một công trình nghiêm túc, đồ sộ, mang tính học thuật cao, có tính hiện thực sâu rộng. Điều đặc biệt là tác giả đã thực hiện tác phẩm dưới nhiều góc độ quan sát. Là một nhà quản lý trực tiếp của ngành điện ảnh Việt Nam lại vừa là một nhà lý luận phê bình điện ảnh gắn bó chặt chẽ với những diễn biến thực tế của điện ảnh trong nước, nên tác phẩm của chị đã thể hiện một cái nhìn đa chiều và đầy đủ nhất về nền điện ảnh Việt Nam từ khi đổi mới cho đến nay.

TS Ngô Phương Lan tốt nghiệp Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô (VGIK). Bà nguyên là Cục trưởng Cục Điện ảnh và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khóa V; Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam. TS Ngô Phương Lan được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.

Tâm sự về tác phẩm mới của mình, TS Ngô Phương Lan cho biết: “Mục đích của tôi khi thực hiện tác phẩm này là xâu chuỗi và hệ thống lại một chặng đường dài hơn 30 năm của điện ảnh Việt Nam tính từ khi nước ta bước vào công cuộc đổi mới (1986) đến đầu năm 2023. Từ đó, tạo một bức phác thảo tương đối rõ nét về nền điện ảnh Việt Nam hiện nay. Đó cũng là quãng thời gian mà tôi với tư cách là một người làm nghề đã trải qua, đóng góp một phần trong đó với đủ những cung bậc vui, buồn, những khó khăn, thử thách. Với cá nhân, tôi coi mình là người may mắn khi cả cuộc đời được gắn bó với nghề mình yêu, ngành lý luận phê bình điện ảnh”.

Sau khi đọc xong tác phẩm Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập, đạo diễn - NSƯT Lê Đức Tiến, nguyên Giám đốc Hãng phim Giải Phóng và Hãng Phim truyện Việt Nam, cho biết: “Tôi vô cùng tâm đắc với quan điểm xuyên suốt của TS Ngô Phương Lan là điều làm nên một nền điện ảnh Việt Nam mạnh mẽ không phải ở số lượng phim, hay doanh thu lớn mà là ở phong cách của các đạo diễn, nhà làm phim. Không có chất riêng, độc đáo, mạnh mẽ, điện ảnh Việt rất khó bay xa”.

Còn PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, thì nhận xét: “Điểm rất riêng của TS Ngô Phương Lan là đã dày công phân tích rất thẳng thắn hầu hết những tác phẩm được xem là dấu ấn của điện ảnh Việt Nam từ thời đổi mới đến nay. Ai cũng biết, phê bình, nhất là phê bình những tác phẩm đã thành danh là rất khó, bởi luôn có những ý kiến, nhận xét trái chiều. Nhưng chính nhờ sự phân tích tinh tế của tác giả đã góp phần giúp người đọc nhìn lại, để hiểu rõ hơn về tình hình điện ảnh trong nước, từ đó mới có thể tiến xa hơn”.

Tin cùng chuyên mục