Nhiều tuần qua, tôi đều đặn theo dõi chuyên đề về lòng trung thực trên SGGP thứ bảy. Nhân quý báo mở chuyên mục Gieo mầm trung thực, tôi xin được chia sẻ câu chuyện về lòng trung thực mà tôi từng nghe, từng chứng kiến và chịu ảnh hưởng. Mong sẽ nhận được nhiều chia sẻ từ những người đồng cảnh ngộ.
Câu chuyện mẹ tôi trải qua đã xảy ra rất lâu, nhưng với tôi như mới hôm qua và là niềm tự hào của tôi mỗi khi ai đó nói về lòng trung thực. Cách đây gần 20 năm, mẹ tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Văn. Đồng lương giáo viên thời đó rất eo hẹp, nhưng với tình yêu học trò mẹ tôi bước vào nghề giáo với bao ước vọng đẹp đẽ. Năm ấy, khi trường mẹ tôi đăng ký với cấp trên là sẽ có 100% học sinh đạt học lực trung bình trở lên, để sang năm đăng ký với Bộ là trường THPT đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh. Cuối năm học, tất cả giáo viên đều nâng bút đẩy chất lượng học sinh lên cao để “đạt chỉ tiêu”. Mỗi mình mẹ tôi là cứng rắn, phản đối và không chịu “vớt” học sinh vì thành tích, bởi có rất nhiều học sinh yếu kém, nếu đưa lên sẽ khiến các em ngồi nhầm lớp, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Thế là năm đó, trường mẹ tôi không hoàn thành chỉ tiêu và không được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia. Còn mẹ tôi thì đột ngột bị cắt hợp đồng lao động không lý do. Từ đó, mẹ tôi bỏ dở ngành sư phạm, chuyển qua buôn bán nhưng trong thâm tâm vẫn cứ đau đáu với nghề. Vẫn biết rằng, tính trung thực trong giáo dục là một điều đáng quý, vậy mà mẹ tôi vấp phải một thực tế đau lòng.
Khắc ghi câu chuyện về sự trung thực của mẹ để rồi bị mất việc, tôi bước vào giảng đường đại học, luôn nhắn nhủ mình phải biết “mềm - rắn” để sống. Thế nhưng, cuộc sống sinh viên chứng kiến quá nhiều sự dối trá đã làm tôi phân vân. Trong những đợt thi cuối kỳ, khi rất nhiều sinh viên chúng tôi phải ngày đêm học miệt mài, cũng có những bạn đua đòi, chây lười học tập để rồi chạy chọt mua đề, bán điểm, quay cóp, xem tài liệu... rồi vẫn đậu, vẫn điểm cao. Nhiều lúc, tôi không còn tin vào lòng trung thực trong xã hội, và đôi khi tôi nhủ lòng, sống trong xã hội không dối trá thì làm sao tồn tại. Thế nhưng, những suy nghĩ ấy lại trôi qua rất nhanh khi tôi thật sự thức tỉnh trước câu chuyện của một anh giáo viên. Là sinh viên năm cuối, tôi đã tham gia cộng tác với một số tờ báo và từ những lần đi phỏng vấn viết bài, tôi đã chứng kiến câu chuyện về lòng trung thực của anh khiến tôi thực sự khâm phục. Mùa hè là thời gian nghỉ ngơi của hầu hết giáo viên nhưng vẫn có một số người phải luyện thi lên lớp cho các học sinh yếu. Một lần, khi anh giáo viên ấy đang luyện thi cho học sinh, có một chị phụ huynh xin gặp. Chị rút ngay ra một phong bì dày nhét vào túi anh và đề nghị cho con chị lên lớp. Tôi biết thời điểm đó, gia đình anh đang rất khó khăn, mẹ anh ốm nặng đang chạy thận ở bệnh viện. Nếu anh chấp nhận “giúp” và cho học sinh đó lên lớp thì không có ai biết. Thế nhưng, không hề do dự, anh dứt khoát từ chối lời đề nghị đó của chị phụ huynh.
Anh nói, với lòng trung thực của một nhà giáo, anh không cho phép bản thân làm điều sai.
Tôi thật sự xúc động khi chứng kiến câu chuyện của anh giáo viên đó. Trong cuộc sống, sự dối trá vẫn tồn tại. Nhưng qua câu chuyện của mẹ, của anh và của nhiều người tôi từng chứng kiến, tôi tin rằng trong xã hội này, lòng trung thực vẫn được tôn vinh. Lòng trung thực từ lâu đã trở thành đức tính cao đẹp của biết bao thế hệ người Việt, dẫu có qua bao gian lao, thử thách. Cho dù xã hội có phát triển đến đâu chăng nữa, lòng trung thực vẫn tồn tại, bởi đó là đạo lý ở đời.
VÕ HOÀNG TUẤN
(Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng)